Mở rộng phạm vi được hỗ trợ của các địa phương khác cho Nghệ An
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, về chính sách cho phép các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 2 Điều 3), có ý kiến ĐBQH cho rằng, quy định như dự thảo Nghị quyết là bị thu hẹp phạm vi hỗ trợ. Trên thực tế, có trường hợp mong muốn hỗ trợ cho địa bàn cụ thể khác ngoài 2 huyện trên. Vì vậy, đề nghị sửa lại theo hướng mở rộng phạm vi được hỗ trợ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng. Việc thu hẹp phạm vi được hỗ trợ của các địa phương khác cho Nghệ An là chưa phù hợp trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn hạn chế.
Theo đó, thống nhất tiếp thu theo hướng: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An hoặc hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì HĐND tỉnh quyết định việc phân bổ cho các địa bàn cụ thể, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. Như vậy, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An.
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng, về nợ của chính quyền địa phương (khoản 5 Điều 10), nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, mức kiến nghị tổng dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp là quá thấp, sẽ phát sinh khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện khi cần huy động nguồn lực, chưa tương xứng so với việc bố trí nguồn lực để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 43 đề ra.
Sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH và đề nghị chỉnh sửa theo hướng quy định tổng dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp vì: phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện cho thành phố trong việc huy động nguồn lực thực hiện thành công các nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết 43.
Trong những năm tới, đối chiếu với nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Nếu quy định 60% có thể sẽ phát sinh phải xin điều chỉnh mức trần. Mức 80% là phù hợp với khả năng thực hiện, khả năng thu NSNN, đặc biệt là đủ khả năng trả nợ, đáp ứng yêu cầu dự báo; đồng thời vẫn bảo đảm tính an toàn nợ công do đã có mức trần khống chế. Mặt khác, mức đề xuất mới thấp hơn so với một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng mức 120% và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đang dự kiến quy định mức dư nợ của Hà nội là 120%. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ căn cứ toàn diện, thuyết phục khi thông qua, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo và TP. Đà Nẵng làm rõ dự kiến mục tiêu, kế hoạch, lĩnh vực đầu tư, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao.
Bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách mới
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với định hướng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về hai dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát nhằm tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các ĐBQH, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp về hai dự thảo Nghị quyết; thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng các mục đích, yêu cầu đặt ra khi xây dựng hai dự thảo Nghị quyết.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh thay vì chỉ hỗ trợ với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An như đề xuất ban đầu của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu thực tế, việc sử dụng ngân sách tỉnh này để hỗ trợ cho tỉnh khác vẫn được thực hiện lâu nay, nhất là giữa các địa phương kết nghĩa với nhau; song về cơ bản, việc sử dụng ngân sách của các địa phương như thế nào do HĐND địa phương quyết định.
Về chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 Điều 3), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần giải trình thuyết phục hơn về việc quy định áp dụng chính sách cho giai đoạn sau, do dự thảo Nghị quyết cho phép địa phương được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương giai đoạn 2026 - 2030 trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn này.
Đối với cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách mới được bổ sung so với Tờ trình của Chính phủ như: việc tăng mức tổng dư nợ vay của địa phương từ 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp lên không vượt quá 80% số thu ngân sách Thành phố được hưởng; việc bổ sung thêm trung tâm dữ liệu về danh mục ngành nghề, dự án được ưu tiên sử dụng vốn các nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, rà soát thật kỹ nhằm bảo đảm không quy định lại các nội dung đã được quy định tại Điều 79 Luật Đất đai 2024 về thu hồi đất, đặc biệt là việc thí điểm chính sách thu hồi đất để xây dựng các dự án trung tâm logistics. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần làm rõ nội hàm của “dự án trung tâm logistics”, nếu nội dung này đã được quy định trong Luật Đất đai rồi thì không quy định trong Nghị quyết của Quốc hội nữa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định những nội dung thật cần thiết và chưa được quy định trong luật hiện hành, trong đó có Luật Đất đai.