Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí
Quan tâm đến mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và giáo dục thay vì mục tiêu kinh doanh. Việc áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 20% cho các khoản thu nhập ngoài nhiệm vụ chính, như quảng cáo, tổ chức từ thiện tạo áp lực lên tài chính của họ. Các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng báo chí lại chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự, dù có vai trò quan trọng trong xã hội.
Đại biểu nêu thực tế, “trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số như Google, Facebook, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí ngày càng giảm, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Các khoản thu nhập không ổn định như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà không xét đến tính đặc thù, làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí”.
Cùng với đó, hiện tại các luật về thuế chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị và xã hội. Một số cơ quan báo chí có thể hưởng ưu đãi nhờ các quy định khác, như khu vực địa lý, lĩnh vực khuyến khích nhưng còn không nhất quán và thiếu minh bạch.
Đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí, để tạo nguồn lực hỗ trợ cho họ thực hiện nhiệm vụ chính trị và truyền thông; tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp…
Khẳng định cần thiết phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chỉ rõ, thu nhập của cơ quan báo chí giảm, đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều. Hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Đại biểu lưu ý, các cơ quan báo chí đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn và đầu tư công sức nhiều hơn. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên.
Dự thảo Luật quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các loại hình báo chí từ 20% xuống 15%, riêng báo in giữ nguyên 10%. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí, nhất là với báo in, số lượng phát hành đang rất ít.
Thực tế, để đáp ứng yêu cầu làm báo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các cơ quan báo chí cũng đang thực hiện đa nền tảng, đa phương tiện… và không phải chỉ đầu tư công nghệ máy móc, mà còn phải đầu tư hỗ trợ, đào tạo phóng viên.
Vì thế, cần tiếp tục xem xét, giảm thuế cho cơ quan báo chí, nhằm động viên các phóng viên cũng như các cơ quan báo chí. Qua đó, sẽ tăng giá trị thông tin, giúp phóng viên nỗ lực và yêu nghề hơn, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, công chúng cũng được hưởng lợi hơn trong tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước.
ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng đề nghị miễn thuế với với các cơ quan báo chí. Vì hiện nay báo chí chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính trị, việc làm thêm rất nhỏ. Đa số các báo không có doanh thu, sẽ không nộp thuế được.
Chưa có quy định về phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế có nhiều đơn vị phụ thuộc
Theo ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau), dự thảo Luật không có quy định về phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với người nộp thuế có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh.
Tại điểm c, Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế có quy định: “Phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất: Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất bằng (=) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (x) với tỷ lệ (%) chi phí của từng cơ sở sản xuất trên tổng chi phí của người nộp thuế (không bao gồm chi phí của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp). Chi phí để xác định tỷ lệ phân bổ là chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế”.
Đại biểu cho biết, việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phân bổ cho từng tỉnh như trên còn một số bất cập. Cụ thể, một công ty có nhiều chi nhánh là cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh khác nhau. Mỗi chi nhánh lại hoạt động sản xuất kinh doanh riêng biệt, có theo dõi được doanh thu, chi phí riêng để xác định được lãi, lỗ của từng chi nhánh.
“Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, chi nhánh tỉnh A có chi phí rất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận rất thấp hoặc lỗ lại được phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp cao do chi phí cao; trong khi chi nhánh tỉnh B có chi phí thấp, hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao nhưng lại được phân bổ thuế rất thấp do phát sinh chi phí thấp”, đại biểu phản ánh.
Xem xét bất cập nêu trên, việc quy định bắt buộc phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo tỷ lệ chi phí của từng cơ sở sản xuất là chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.
Do đó, đại biểu đề xuất nên nghiên cứu bổ sung quy định: “Đối với doanh nghiệp có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh; trường hợp đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất khác tỉnh có doanh thu, hạch toán riêng được doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thì thu nhập này sau khi bù trừ số lỗ của các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác (nếu có) phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại địa phương của cơ sở sản xuất này”.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước phải cải cách hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ một số nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, xác định thu nhập chịu thuế, chi phí được trừ và chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, những vấn đề liên quan đến tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số, không thường trú tại Việt Nam, thuế đối với các cơ quan báo chí, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các quỹ tài chính ngoài ngân sách, doanh nghiệp khởi nghiệp và các lĩnh vực khác…
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và tại tổ, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định theo Chương trình xây dựng pháp luật.