Đây là giải pháp cải cách quan trọng để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn, triệt để hơn và thực chất hơn
Trước hết, về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là nội dung rất hệ trọng và bức thiết trong bối cảnh của thành phố hiện nay. Đến nay, sau nhiều vòng Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến, nội dung Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành lần này đã bước đầu rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, các thủ tục hành chính để từng bước đề xuất phân cấp, ủy quyền mạnh hơn, triệt để hơn và thực chất hơn.
Cụ thể, đó là đề xuất phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện, đạt 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố; đề xuất tiếp tục phân cấp bổ sung đối với 9 nhiệm vụ quản lý nhà nước và tiếp tục ủy quyền đối với 36 nhiệm vụ. Ngoài ra, tại Đề án, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất sẽ thực hiện ủy quyền tối đa toàn bộ các thủ tục đầu tư được phép theo quy định cho cấp huyện đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố được đầu tư bằng ngân sách cấp huyện…
Theo Bí thư Thành ủy, các nội dung đề xuất phân cấp, ủy quyền được nêu trong đề án rất chi tiết, nhiều nội dung có tính kỹ thuật cao. Phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước là cơ sở xây dựng nội dung về phân cấp kinh tế - xã hội và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của thành phố trong thời gian tới; là căn cứ xác định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan thực thi nhiệm vụ; là giải pháp quan trọng để cải cách thủ tục hành chính giữa các sở, ngành với các quận, huyện, thị xã; giữa các sở, ngành với sở, ngành; giữa sở, ngành, quận, huyện với các nhà đầu tư, với cộng đồng doanh nghiệp và với xã hội; là giải pháp cải cách quan trọng để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình trên địa bàn thành phố, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phân cấp, ủy quyền là nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực về tài chính… nên những nội dung phân cấp, ủy quyền theo đề án mới là kết quả bước đầu. Công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền sẽ là công việc thường xuyên và liên tục của thành phố.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kỹ và cho ý kiến chất lượng về từng nội dung phân cấp, ủy quyền nêu trong Đề án; đồng thời, đề xuất thêm các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cũng như các thủ tục hành chính có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi và kịp thời hơn thì giao cho cấp đó thực hiện, địa phương đó, nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tìm giải pháp cho các “điểm nghẽn”
Về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của cấp thành phố; định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kết quả giải ngân toàn thành phố đến nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân vẫn ở mức thấp.
Bí thư Thành ủy đề nghị các các đại biểu tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân cụ thể, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong tổ chức thực hiện đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, các đại biểu tiếp tục thảo luận, bàn kỹ và đề xuất các giải pháp rất cụ thể, nhất là các giải pháp có tính căn cơ, có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành. Trong đó cần tính đến giải pháp xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả thành phố...
Đối với định hướng đầu tư công năm 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến bước đầu về mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và thứ tự phân bổ vốn, danh mục dự án năm 2023, bảo đảm phải phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và HĐND thành phố thông qua.
Về cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Bí thư Thành ủy đề nghị tập trung, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất điều chỉnh; tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, để đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra và hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 sau khi được điều chỉnh.
“Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô chúng ta, không chỉ cho năm 2022, cho nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, Đề án, Dự thảo nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.