Bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất
Trước đó, trong phiên làm việc chiều nay, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Tờ trình về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, nêu rõ, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động. Đồng thời, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại được xác định tại các văn kiện như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, trong đó, xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động tại Điều 9 dự thảo Luật, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ cho Cảnh sát cơ động, đây là các nhiệm vụ trên thực tế Cảnh sát cơ động đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi. Quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động tại Điều 10 của dự thảo Luật, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn bổ sung, làm rõ các quy định liên quan hoạt động của Cảnh sát cơ động gồm: Xây dựng và thực hiện phương án; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và huy động người, phương tiện, thiết bị (tại các Điều 11, 12, 16 và 17 của dự thảo Luật) bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan…
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động.
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị quy định bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định tại Điều 3 của Luật Công an nhân dân và Khoản 1, Điều 26 của Luật Quốc phòng; đề nghị bổ sung nội dung “đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”; đề nghị bổ sung cụm từ “đặc biệt” trước cụm từ “nòng cốt” và cân nhắc có nên sử dụng cụm từ “chuyên trách” không?
Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10), đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái” ở Khoản 3. Đồng thời rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cân nhắc quy định tại Khoản 4 vì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát cơ động đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng), Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương); Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)... tán thành với việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, do đây là dự luật được nâng lên từ Pháp lệnh nên phải cố gắng khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế các quy định theo kiểu “ưu tiên”, chưa rõ nội hàm chính sách. Cần tiếp tục rà soát các điều khoản cụ thể, cố gắng ở mức cao nhất để quy định cụ thể, chi tiết trong dự thảo Luật. Về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần rà soát lại để bảo đảm không chồng lấn với các lực lượng khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nguyên tắc xây dựng luật cần tránh việc luật chuyên ngành quy định về tổ chức bộ máy và sử dụng nguồn lực, ưu đãi thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không khuyến khích việc quy đinh chi tiết về vấn đề này. Nguyên tắc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi luật sau này vì nếu quy định “cứng” hết trong luật rồi nếu phát sinh vấn đề gì đặc thù sẽ phải sửa luật. Do đó chỉ nên quy định về nguyên tắc còn tổ chức bộ máy cụ thể như thế nào giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đề cập cụ thể đến quy định “cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Đình Việt cho rằng, cần làm rõ tính “chuyên trách” của cảnh sát cơ động.
ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) và một số đại biểu nhận định, quy định của dự thảo Luật đã làm rõ được vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, cần tiếp tục chỉnh lý về kỹ thuật để phân định rõ hơn vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; tiếp tục làm rõ hơn hơn tính đặc thù của Cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu, mang tính cơ động cao.