Hơn 66% hồ sơ được giải quyết trực tuyến
Báo cáo của Tổ Công tác Đề án số 06 của UBND tỉnh Hà Nam cho biết, việc thực hiện Đề án số 06 của tỉnh đến nay đã đạt nhiều kết quả khả quan: Toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc 25 dịch vụ công thiết yếu, hoàn thiện các điều kiện và thực hiện xong việc kết nối Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin, xây dựng Kho dữ liệu thủ tục hành chính (TTHC) để tích hợp, lưu trữ, chia sẻ Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, tạo kho dữ liệu cá nhân, tổ chức để lưu trữ danh mục hồ sơ TTHC; triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Hà Nam.
Thống kê cho thấy, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã cung cấp 1.741 bộ thủ tục hành chính; tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 231.081 bộ, giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%, có 66,67% hồ sơ giải quyết trực tuyến. Đồng thời, phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích; thực hiện xây dựng quy trình nội bộ giải quyết nhóm thủ tục hành chính 2 dịch vụ công liên thông; giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng quy trình điện tử; triển khai tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ.
Toàn tỉnh đã triển khai việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn phục vụ đối sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, áp số định danh cá nhân và làm sạch dữ liệu. Đến nay đã nhập được 387.086/677.944 trường hợp (đạt 58,8%); số hóa 44.083/677.944 trường hợp (đạt 6,5%). Số lượng thẻ CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD với trên 70% thẻ; đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 83.446 trường hợp, cấp thẻ CCCD cho 96,30% người đủ điều kiện. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện được số hóa một phần, tỉnh thực hiện xây dựng Kho dữ liệu thủ tục hành chính để kết nối với Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phục vụ cho việc lưu trữ, tái sử dụng kết quả số hóa.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc số hóa dữ liệu; điều kiện cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho đối tượng hưởng chế độ an sinh xã hội đến thanh toán tại ATM còn ít, các cây ATM mới chỉ tập trung lắp đặt tại khu trung tâm thành phố, huyện lỵ; chưa đánh giá được năng lực tự giao dịch qua tài khoản của nhóm đối tượng người cao tuổi đi lại khó khăn; đối tượng khuyết tật…
Phải lập tổ công tác từ tỉnh đến cơ sở
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đề án số 06 là đề án rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, có ý nghĩa lâu dài trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân. Trong triển khai thực hiện Đề án và chuyển đổi số, yếu tố then chốt nhất là phải có dữ liệu và muốn có được hệ thống dữ liệu tốt, phục vụ cho việc cập nhật trước hết phải lập tổ công tác từ tỉnh đến cơ sở, lấy vai trò nòng cốt của lực lượng công an để triển khai.
Để hỗ trợ địa phương trong triển khai thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tại cơ sở, kịp thời điều chỉnh các vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình thực hiện. Đồng thời, yêu cầu tỉnh Hà Nam cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, phải hết sức quyết tâm và nỗ lực để các sở, ban, ngành của tỉnh cùng vào cuộc đồng loạt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06; kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết những tồn tại của các sở, ban, ngành và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ làm sạch dữ liệu, số hóa hồ sơ, triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 để kịp thời phục vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cụ thể, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện các nhóm dịch vụ, gồm: nhóm đất đai, nhà ở; nhóm người lao động và nhóm y tế. Với nhóm người lao động, tuy được coi là nhóm lớn vì có nhiều đối tượng người nhận trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, dựa trên số lượng chi trả thực tế, các ngành phối hợp thống kê số lượng, tuyên truyền, hướng dẫn để thực hiện không chi trả chế độ bằng tiền mặt mà chuyển qua các dịch vụ. Với nhóm y tế, trước hết triển khai nhanh việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân; hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng; rà soát nguồn lực tất cả các nhà thuốc, cửa hàng thuốc và nguồn lực đội ngũ y tế trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, ngay sau buổi làm việc này, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 cho cán bộ, công chức; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc hằng ngày. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, an ninh, an toàn hệ thống phục vụ kết nối, triển khai thực hiện 2 dịch vụ công liên thông; chỉ đạo tổ chức tập huấn về quy trình, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện cung cấp các dịch vụ công liên thông bảo đảm yêu cầu đề ra; tăng cường tuyên truyền về việc triển khai các dịch vụ công liên thông để người dân nắm được, tham gia thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 về việc đẩy mạnh hoàn thành 25 dịch vụ công trực tuyến, trong đó triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông, đến ngày 18.11.2022, Văn phòng Chính phủ đã tích hợp 2 dịch vụ công liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm kết nối đến các hệ thống có liên quan. Tại Hà Nam, đến nay, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, toàn bộ lực lượng đã sẵn sàng để phục vụ nhân dân.