Quyết liệt, thực chất đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
Đối với chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tọa kỳ họp cho rằng việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng là hoạt động thường niên, là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương trên cả nước. Năm 2022, các chỉ số đánh giá công tác này của tỉnh Phú Yên rất thấp do còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Vì vậy, thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, có biện pháp chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan; chỉ đạo thanh tra tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc cập nhật, báo cáo đầy đủ các thông tin theo bộ chỉ số đánh giá của công tác này.
Thành lập Tổ công tác, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xác minh những phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, dư luận quan tâm, nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, ở lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7.12.2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đề nghị việc tổ chức thực hiện phải quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, đối phó - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.
Căn cơ hơn trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
Về tình trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trái phép, sai thiết kế, vượt công suất, trữ lượng hoặc khai thác thêm ngoài vùng quy hoạch được cấp phép, Chủ tọa kỳ họp nhận thấy: mặc dù đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn còn tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm; việc khai thác, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra. Chủ tọa đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, căn cơ hơn, bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, cấp phép, thời gian, trữ lượng và công suất khai thác tại mỏ vật liệu. Có cơ chế kiểm soát giá các loại vật liệu xây dựng thông thường, tránh tình trạng các chủ mỏ thao túng, liên kết, nâng giá. Đối với các chủ mỏ vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản bảo đảm tiến độ và kế hoạch; tiếp tục cải cách hành chính trong thủ tục cấp phép, nhất là việc rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để kịp thời phục vụ thi công các công trình dân sinh, công trình dự án trên địa bàn toàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Để người dân hiểu, nâng cao cảnh giác với tội phạm công nghệ cao
Trước sự phát triển ngày càng cao của khoa học và công nghệ, đi kèm với đó là vấn đề tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, chuyên nghiệp, ít để lại dấu vết, gây thiệt hại lớn về tài sản của tổ chức, doanh nghiệp và người dân; ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết luận nội dung chất vấn đối với vấn đề tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng, Chủ tọa đề nghị lực lượng Công an nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo xu hướng hoạt động của các đối tượng trên không gian mạng; chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng. Phối hợp các ngành, các cấp liên quan, đặc biệt là những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mạng như ngân hàng, các công ty viễn thông… để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn giao dịch bất thường; đồng thời, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành xác minh, truy vết nhanh các đối tượng phạm tội, phục vụ công tác điều tra, xử lý, làm giảm thiệt hại cho người dân, thu hồi nhanh chóng tài sản phạm tội. Đặc biệt, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, với nội dung cụ thể, phù hợp để người dân hiểu, nâng cao cảnh giác, tự có biện pháp bảo vệ mình.