Thực hiện đồng bộ các biện pháp theo khuyến nghị của EC
Theo thông báo, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu ÂU (EC) sẽ lựa chọn một số tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước đi kiểm tra thực tế các khuyến nghị của đoàn sau chuyến thanh tra lần 3 vào tháng 10.2022, lần kiểm tra lần này có ý nghĩa quan trọng để EC đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau Nguyễn Việt Triều, để bảo đảm chu đáo các điều kiện đón Đoàn Thanh tra của EC, tỉnh Cà Mau huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cho các Sở, Ngành, địa phương phụ trách thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng, chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Cùng với đó, các cán bộ, nhân viên được giao phụ trách từng nhiệm vụ chủ động nắm rõ quy trình, các quy định về quản lý, số liệu, hồ sơ, giấy tờ chứng minh có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ các thông tin, số liệu theo nội dung, chương trình làm việc của đoàn.
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Cà Mau, số tàu cá còn hạn giấy phép khai thác đạt 98,08% (3.976/4.054 tàu); tàu cá còn đăng kiểm đạt 91,09% (2.677/2.939 tàu). 100% tàu cá đang hoạt động được đánh dấu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định. 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh được cập nhật đầy đủ trên hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá.
Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên mất kết nối ngoài khơi từ 10 ngày trở lên theo thông báo của Trung tâm Thông tin thủy sản đều được xác minh, xử lý theo quy định. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn tập trung thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đến nay không có hồ sơ sai sót phải xác minh, giải trình. Đồng thời, kiểm tra 100% hồ sơ xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác tại 5 doanh nghiệp có hồ sơ xuất khẩu sang thị trường châu Âu
Một trong những điểm nổi bật trong công tác phòng chống khai thác trái phép của tỉnh Cà Mau là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh thông qua phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá. Phần mềm này dùng để liên thông tất cả các cảng cá với Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng kiểm soát tàu cá, thống kê, báo cáo; bảo đảm khi tàu cá ra, vào cửa biển.
Song song đó, Cà Mau còn ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets để các địa phương báo cáo, lưu trữ dữ liệu về thông tin tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên, tàu cá nằm bờ, thống kê sản lượng thủy sản khai thác... Qua đó, tạo được cơ sở dữ liệu để Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh, huyện kiểm tra, chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế trong công tác chống khai thác IUU.
Quản lý nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững
Trên cơ sở những khuyến nghị của EC, tỉnh Cà Mau đã tập trung thực hiện bảo đảm đúng theo quy định việc xác định, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý và kiểm tra. Văn phòng IUU đặt tại 2 cảng cá chỉ định tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời và thị trấn Rạch Gốc huyện Ngọc Hiển kiểm tra 100% tàu cá cập, rời cảng cá chỉ định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo 10 Trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến. Đồng thời, tăng cường thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có Trạm kiểm soát Biên phòng, bảo đảm kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến. Đồng thời, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến khi chưa đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị an toàn theo quy định.
Đại tá Phạm Anh Chương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Để thực hiện nhiệm vụ cao điểm chống khai thác IUU, chuẩn bị đón đoàn; làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, nhất là tuần tra lưu động trên các nhánh sông thông ra cửa biển. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác xác minh, điều tra khi có các dấu hiệu vi phạm, nhất là, nhóm tàu mất kết nối dài ngày trên biển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá, ngăn chặn các hành vi IUU”.
Tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân nắm rõ các nội dung về Luật Thủy sản, mức độ ảnh hưởng của khai thác IUU, cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Đồng thời lập hồ sơ theo dõi (có hình ảnh thể hiện rõ thời gian, vị trí của tàu cá) đối với tàu cá trễ hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị VMS, tăng cường công tác phối hợp với các tỉnh lân cận tuần tra, kiểm soát chặt đối với các tàu cá vượt ranh giới trên biển, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Cùng với 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước, tỉnh Cà Mau đã và đang khẳng định nỗ lực và quyết tâm hành động của tỉnh trong việc thực hiện các nội dung yêu cầu của Chính phủ, EC trong việc kiểm soát, khai thác IUU. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu quản lý nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững, phấn đấu cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC.