Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của người lao động ở doanh nghiệp nhà nước Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở:
Theo Điều 80, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định việc xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của người lao động ở doanh nghiệp nhà nước như sau:
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân như: người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp nhà nước; Công đoàn, tổ chức đại diện khác của người lao động, tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp mà mình là thành viên, hội viên... có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người lao động theo thẩm quyền hoặc thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
- Thông qua việc kiểm tra, giám sát trực tiếp, người lao động tham gia ý kiến đóng góp với người có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước để kịp thời khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý;
Ngăn ngừa tiêu cực, vi phạm pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đóng góp giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp.
- Khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh đến người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp nhà nước;
Kiến nghị, phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Công đoàn, tổ chức đại diện khác của người lao động, tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp mà mình là thành viên, hội viên hoặc phản ánh, đề nghị Ban Thanh tra nhân dân xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.
Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nội dung nào là trách nhiệm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát?
Theo khoản 1, Điều 81, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định trách nhiệm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát như sau:
- Phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có), căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ để quy định cụ thể hơn nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp mình làm cơ sở để người lao động kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Nội dung của quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp có thể mở rộng hơn phạm vi thực hiện dân chủ của người lao động nhưng không được trái hoặc hạn chế việc thực hiện các nội dung đã được quy định trong Luật này;
- Tạo lập cơ chế tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh của người lao động tại doanh nghiệp; thực hiện việc đối thoại, giải trình với người lao động theo quy định của pháp luật;
- Xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời kiến nghị, phản ánh của người lao động, kiến nghị của Công đoàn, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) và các tổ chức đoàn thể khác tại doanh nghiệp;
Chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
- Tạo điều kiện và bảo đảm để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật bằng cách thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân về chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp;
Tổ chức cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Ban Thanh tra nhân dân;
Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị;
Thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh và việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp mình;
- Xử lý người có hành vi cản trở người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát; người có hành vi trả thù, trù dập người lao động thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; người có hành vi cản trở hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, trả thù, trù dập thành viên Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp nhà nước trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát?
Theo khoản 2, Điều 81, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp nhà nước trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát như sau:
- Xem xét, giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân gửi đến người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp hoặc cấp có thẩm quyền.
- Vận động người lao động phối hợp và tích cực hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân.
- Giới thiệu nhân sự để hội nghị người lao động bầu làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; đề nghị cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
- Hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết.