Mỗi năm tước có thời hạn trên 500 nghìn giấy phép lái xe
Thực tế, tình hình trật tự, an toàn giao thông thời gian qua diễn biến phức tạp. Vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Trong khi đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập. Một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức. Không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp GPLX nhưng không đủ tự tin điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trật tự an toàn giao thông, xảy ra những vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500 nghìn GPLX. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân. Việc tước GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe. Theo đó, điểm GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm. Người lái xe có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm GPLX theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. Trong trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm GPLX như dự thảo luật là cần thiết nhằm nâng cao ý thức của người lái xe.
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm GPLX. Một số nước như Trung Quốc, Đức, Singapore, Nhật Bản… đã triển khai thực hiện quy định này.
Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định điểm, trừ điểm GPLX như dự thảo luật. Lý giải về điều này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, đây là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành pháp luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ. Thay vì nhiều hành vi vi phạm phải áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước GPLX như hiện nay thì chuyển sang áp dụng quy định trừ điểm GPLX và yêu cầu người bị trừ hết điểm phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm là biện pháp mang tính nhân văn hơn, vừa quản lý chặt chẽ người được cấp GPLX, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện khi người đó cố gắng, chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đồng tình với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về điểm và trừ điểm GPLX, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đây là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế số.
Ngoài ra, việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe cũng góp phần quản lý tốt hơn đối với người được cấp GPLX khi điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, GPLX là một trong những giấy tờ rất quan trọng, công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực hành vi điều khiển loại phương tiện giao thông nhất định. Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về tính điểm GPLX, xem xét sử dụng việc trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý nhà nước. “Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng”, đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh.