Không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc sửa đổi hai Luật này cũng kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành hai Luật; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Nhiều ý kiến cho rằng, về cơ bản, các sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, việc sửa đổi hai Luật này sẽ hoàn thiện được cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung lần này không chỉ không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí cho các tổ chức, cá nhân mà còn tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và người nước ngoài, phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế cũng như là xu thế ngoại giao giữa các nước trên thế giới trong hiện tại và thời gian tới.
Góp phần đưa công tác ngoại giao hiệu quả hơn
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), hiện nay công tác ngoại giao được Đảng, Quốc hội và Chính phủ làm rất tốt, để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Công tác ngoại giao đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian vừa qua. Do đó, việc giảm bớt các thủ tục hành chính và mở rộng thời hạn là việc làm cần thiết để giúp công tác ngoại giao ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 27 quy định hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn nhận hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu và bổ sung Khoản 2, Điều 28 quy định cho phép người bị mất hộ chiếu gửi đơn báo mất theo mẫu đến Công an cấp huyện, xã nơi gần nhất hoặc gửi trên môi trường điện tử nhằm giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh và đáp ứng việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh), nên nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định là 6 tháng nếu không đến nhận hộ chiếu sẽ hủy và phải xin lại. Đồng thời, bổ sung, quy định rõ trình tự hủy như thế nào để bảo đảm tính khả thi.