Phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 11, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người. Việc sửa đổi luật cũng sẽ góp phần quan trọng nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Theo ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La), sau 12 năm có hiệu lực thi hành, các dấu hiệu, tình trạng về mua bán người đã có những thay đổi như sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm núp bóng ở dưới các hình thức như thông qua các hợp đồng lao động, thông qua việc kết hôn giả, đưa người vượt biên trái phép...
Nạn nhân của các vụ việc hiện nay cũng hết sức đa dạng. Trước đây phần lớn chỉ là phụ nữ, trẻ em, nhưng hiện nay bao gồm cả thanh niên, nam giới trong lứa tuổi lao động, được sử dụng vào mục đích là bóc lột sức lao động.
Đại biểu Đinh Công Sỹ đề nghị các quy định sửa đổi, bổ sung lần này cần quy định trách nhiệm rõ hơn đối với các cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện các vụ việc; có biện pháp hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người, cả về trước mắt và lâu dài. Thực tế, có nạn nhân sau này lại là đối tượng chủ mưu mua bán người, do thấy lợi ích nên lôi kéo người thân, người cùng địa bàn, cùng địa phương tham gia vào đường dây buôn bán người. Đại biểu cũng đề nghị, các quy định về phòng, ngừa hoạt động mua bán người trong dự thảo luật bổ sung rõ hơn các quy định về an ninh trật tự, quản lý về nơi cư trú, hoạt động xuất nhập cảnh...
Trong dự thảo luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao, tuy nhiên, đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng, cùng với việc giao trách nhiệm, giao nhiệm vụ cho các cơ quan này thì phải giao thêm công cụ cho họ. Công cụ đối với các cơ quan này chính là nguồn lực về tài chính và con người, để kịp thời xử lý các vụ việc khi phát hiện.
Đánh giá tình hình mua bán người có chiều hướng phức tạp và gia tăng, ĐBQHTrần Đình Chung (Đà Nẵng) cho rằng, có tình trạng người nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam để vào du lịch, thăm người thân và thực hiện các hoạt động khác. Thông qua đó, đã móc nối để tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, như nhận con nuôi, xuất cảnh, kết hôn... Thủ đoạn của các đối tượng này thì ngày càng tinh vi và phức tạp.
Các hình thức lợi dụng người đi lao động, đẻ thuê hoặc là bắt cóc trong thời gian qua cũng đáng lo ngại. Đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Công an từ tháng 1.2012 - 2.2023 đã khởi tố 1744 vụ với 3059 bị can. Trong quý III.2023, lực lượng công an tiếp nhận 92 tin tố giác, tin báo tội phạm về mua bán người. Qua điều tra đã phát hiện 58 vụ và xử lý 230 đối tượng, xác định 224 nạn nhân.
Từ những con số trên, đại biểu Trần Đình Chung nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người là hết sức cần thiết. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp, cũng như các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý các khái niệm mua bán người trong dự thảo luật để đảm bảo các yêu cầu đặt ra.
ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, hiện nay thì đã xuất hiện loại tội phạm mới là tội phạm mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Đây là hành vi vô nhân đạo và rất đáng được quan tâm để xử lý, nhưng cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này chưa được quy định. Bởi vì việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, tức là chưa được coi là con người. Đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán thai nhi vào khoản 1, Điều 2 và bổ sung thêm một khoản giải thích từ ngữ mua bán thai nhi vào Điều 2 của dự thảo luật.