Thiếu thống nhất giữa các Luật
Khoản 3 Điều 45 Luật Đất đai 2013 quy định: UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Như vậy, Luật Đất đai 2013 chỉ đề cập thẩm quyền HĐND cấp huyện trong việc thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, không đề cập việc HĐND cấp huyện “thông qua” hay “cho ý kiến” về kế hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, điểm a Khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì lại quy định rõ việc HĐND cấp huyện “thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Chính sự thiếu thống nhất, chưa đồng bộ giữa Luật Đất đai 2013 với Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền HĐND cấp huyện đối với kế hoạch sử dụng đất hàng năm nên dẫn đến lúng túng trong quy trình tổ chức thực hiện.
Ngoài thiếu thống nhất giữa các Luật, việc không quy định thẩm quyền HĐND cấp huyện đối với kế hoạch sử dụng đất hàng năm ngay trong các điều, khoản của Luật Đất đai 2013 cũng bộc lộ bất cập. Bởi lẽ, trong quy trình lập kế hoạch sử dụng đất, Điều 43 quy định về thủ tục “lấy ý kiến góp ý của nhân dân về kế hoạch sử dụng đất”. Đây được xem là quy định bắt buộc nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong lập kế hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, thực tế thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra, trong khi HĐND cấp huyện - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương lại không tham gia vào quy trình này.
Chưa rõ trách nhiệm
Theo tìm hiểu, Luật Đất đai 2013 không quy định HĐND cấp huyện thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm có lý do từ việc thẩm quyền quyết định danh mục dự án thu hồi đất thuộc HĐND cấp tỉnh (Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013). Trong khi đó, một trong những nội dung của kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là: “xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (điểm c, Khoản 4 Điều 40 Luật 2013).
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã cho thấy nhiều bất cập trong quá trình lập danh mục dự án thu hồi đất trình HĐND cấp tỉnh quyết định.
Cụ thể, quá trình lập kế hoạch sử dụng đất nhiều nơi không quan tâm đến việc rà soát chặt chẽ giữa kế hoạch sử dụng đất của từng dự án với quy hoạch sử dụng đất theo phân khu chức năng, tính khớp nối đồng bộ hạ tầng của từng dự án với hạ tầng kỹ thuật chung; nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất mang tính cơ hội, phụ thuộc vào ý tưởng nhà đầu tư, không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, chưa bảo đảm thông tin về nguồn vốn, chủ trương đầu tư theo quy định, dẫn đến danh mục dự án đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn sai sót, thiếu tính khả thi. Số lượng danh mục dự án trình HĐND tỉnh rất lớn (bình quân mỗi năm trên 1.500 danh mục) rất khó để thẩm tra, rà soát chi tiết…
Đến khâu tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất, tình trạng chung là số danh mục được HĐND tỉnh thông qua nhiều nhưng tỷ lệ thực hiện hàng năm khá thấp, bình quân dưới 30% (có địa phương chỉ đạt từ 10 - 20%); số dự án chưa thực hiện, không có khả năng thực hiện, bị hủy bỏ hoặc chuyển tiếp còn nhiều. Trong khi đó, số danh mục đề nghị bổ sung trong năm khá nhiều, có trường hợp dự án đã triển khai nhưng chưa có trong kế hoạch sử dụng đất; có dự án điều chỉnh diện tích phải bổ sung kế hoạch sử dụng đất nhiều lần.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định do vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trong quá trình đề xuất, rà soát, thẩm định danh mục dự án thu hồi đất đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa rõ ràng; thiếu chế tài xử lý chủ thể đề xuất danh mục không bảo đảm quy định.
Để khắc phục phần nào những hạn chế trong công tác này, HĐND tỉnh Quảng Nam đã có Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 19.7.2018 yêu cầu HĐND cấp huyện cho ý kiến bằng văn bản về danh mục dự án thu hồi đất của địa phương trước khi trình các cơ quan cấp tỉnh. Đây được xem là giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của HĐND cấp huyện đối với công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, thực tế đã chứng minh hiệu quả khi đây vừa là cơ quan tham gia quyết định, vừa giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Từ thực tế thi hành Luật Đất đai 2013, các quy định về chức năng, nhiệm vụ HĐND cấp huyện như đã phân tích ở trên, nên chăng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định rõ thẩm quyền HĐND cấp huyện trong việc thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm; đồng thời, bổ sung quy định HĐND cấp huyện cho ý kiến về danh mục dự án thu hồi đất trước khi trình HĐND cấp tỉnh.