Nên luật hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với đường cao tốc
Nhiều ĐBQH đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ đối với đường cao tốc. ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc mới, chưa áp dụng nên chưa biết vận hành có mang lại hiệu quả tích cực hơn hay không? Do vậy, theo đại biểu, cần đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa vào dự án Luật Đường bộ nhằm mang lại hiệu quả khi triển khai và phù hợp với xu hướng phát triển giao thông của thế giới.
Đề nghị nên luật hóa và quy định những nguyên tắc bắt buộc về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với đường cao tốc, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, cần quy định đường cao tốc bắt buộc phải có dải phân cách cứng, làn khẩn cấp, điểm dừng đỗ; đồng thời, đưa ra quy định khổ tối thiểu của đường cao tốc là 3,75m, để tránh nguy cơ thu hẹp khổ đường nhằm tiết kiệm chi phí khi thực hiện đầu tư theo phân kỳ. Ngoài ra, theo đại biểu, tốc độ các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc phải cao nhất trong hệ thống các cấp kỹ thuật. Việc tốc độ các phương tiện di chuyển cao bao nhiêu ở từng giai đoạn sẽ do Bộ Giao thông Vận tải quy định.
Cao tốc phân kỳ giải phóng mặt bằng một lần hay nhiều lần?
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của đường cao tốc (giải phóng mặt bằng), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với dự thảo Luật được Chính phủ trình. Theo đó, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch thay vì phân kỳ, vì kinh phí dành cho công tác này chỉ khoảng dưới 20% tổng kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, cần làm rõ việc sử dụng phần đất đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa đầu tư vì nếu đã giải phóng xong nhưng quản lý không hiệu quả thì sau này lại tốn kém để xử lý.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay khi xây dựng, phát triển đường cao tốc phải tính toán lâu dài, nếu không giải phóng mặt bằng theo quy hoạch thì sau này phải tiếp tục mở rộng sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện giải phóng mặt bằng, trong khi chi phí thực hiện theo phân tích của Chính phủ trình chiếm khoảng 15 - 20% tổng mức đầu tư chi phí.
Theo ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang), đầu tư cao tốc phải tính toán hiệu quả kinh tế, nếu giải phóng mặt bằng rồi để đấy sẽ gây lãng phí. “Việc sợ người dân sinh sống ở khu vực lân cận lấn chiếm xây dựng đã có quy hoạch, mà trách nhiệm quản lý quy hoạch thuộc về chính quyền các địa phương. Quản lý yếu kém thì kể cả giải phóng rồi dân vẫn lấn chiếm”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ
Về quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ tại Điều 32, đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ tại Điều 47 và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ tại Điều 39, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật theo hướng: trường hợp phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ phải phù hợp quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Đối với hoạt động quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh bổ sung điểm c khoản 2 Điều 37 theo hướng: điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tán thành với nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ theo khoản 2, Điều 28 sẽ giúp tận dụng nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải lưu thông ở nhiều địa phương hiện nay. Nhưng, do Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công hiện hành chưa phân cấp đầu tư xây dựng này cho UBND cấp tỉnh, nên đại biểu đề nghị, cần quy định về nội dung này theo hướng phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh theo đề nghị UBND tỉnh và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.