Ngày 15.10, tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã diễn ra phiên toà giả định do Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và UBND huyện Bố Trạch tổ chức, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các ngư dân trên địa bàn tỉnh trong việc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong việc chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Hoạt động cũng nhằm đóng góp vào nỗ lực gỡ thẻ vàng trong năm 2024, duy trì kết quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ vùng biển, vị thế của Việt Nam.
Hơn 200 ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu của xã Đức Trạch, xã Thanh Trạch và xã Hải Phú, huyện Bố Trạch đã tham gia theo dõi phiên tòa.
Nội dung phiên tòa giả định, Tòa án tiến hành xét xử vụ án đối với hành vi “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép"; “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “cản trở hoạt động của phương tiện điện tử”.
Cụ thể, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Năm 2016, vợ chồng Trần Văn Thành vay vốn tại ngân hàng đóng mới 2 tàu cá vỏ thép do Thành làm chủ tàu. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt, Thành đã cố ý sang vùng biển Malaysia đánh bắt thủy hải sản trái phép nhằm thu lợi cao thì bị chính quyền Malaysia bắt giữ cả 2 tàu. Để tiếp tục có tàu cá đánh bắt thủy sản trái phép để đưa về Việt Nam bán thu lợi nhuận cao hơn, Thành đã bàn bạc với Công và thống nhất giao cho Trần Minh Toàn tìm gặp Nguyễn Bảo Long để làm giả hai bộ hồ sơ tàu cá nhằm thay thế 2 bộ hồ sơ tàu cá đã bị bắt giữ, đồng thời mua thêm 2 thiết bị giám sát hành trình mới với số tiền 400 triệu đồng.
Để việc đánh bắt thủy sản trái phép tại vùng biển Malaysia được thuận lợi và tránh bị bắt giữ như trước đây, Thành chỉ đạo Toàn móc nối với đối tượng Vân đang sinh sống tại Malaysia mua thông tin về kế hoạch tuần tra của Hải quân Malaysia nhằm mục đích lẩn tránh, khỏi bị truy bắt. Sau khi đã bàn bạc thống nhất Thành, Toàn, Hòa trực tiếp sang Malaysia chuộc các tàu về Việt Nam và giao cho Hòa trước khi cập cảng Việt Nam sửa lại ký hiệu các tàu cá cũ sang ký hiệu mới nhằm phù hợp với 2 bộ hồ sơ tàu cá để làm thủ tục nhập cảng.
Các đối tượng cũng tuyển 26 lao động tại Việt Nam để xuất cảnh trái phép sang các nước Malaysia, Indonesia. Trần Chí Công đã ngắt kết nối các thiết bị giám sát hành trình trên 2 tàu cá khi tàu đến vùng biển nước ngoài, nhằm mục đích trốn tránh sự giám sát quản lý của các cơ quan chức năng để chỉ đạo các thuyền viên đi qua vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.
Tại phiên toà giả định, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo Trần Văn Thành, Phạm Chí Công, Trần Minh Toàn phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; bị cáo Trần Văn Nhật phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” và bị cáo Phạm Chí Công phạm tội “Cản trở hoạt động của phương tiện điện tử”; mức xử phạt từ 5 - 12 năm tù cho tổng các tội danh đối với mỗi bị cáo.
Ngư dân Hồ Đăng Tân (SN 1974), trú tại xã Đức Trạch, là thuyền trưởng và chủ tàu công suất 750CV, đánh bắt vùng biển ngoài xa, cho biết, qua theo dõi phiên toàn giả định, có thêm kiến thức về quy định, pháp luật trong chống khai thác IUU cũng như các hành vi cụ thể dễ sai phạm.
“Là thành viên của đội tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ, bên cạnh việc tuân thủ quy định, tôi cũng thông tin lại với các anh em thuyền bạn về quy định chống khai thác IUU và mức xử phạt của hành vi, để cả đội tuân thủ đúng quy định”, ngư dân Hồ Đăng Tân cho biết.
Cũng trong dịp này, Văn phòng UBND tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Toà án Nhân dân tỉnh đã tuyên truyền các văn bản, quy định của pháp luật về chống khai thác IUU.