Hướng đến du lịch xanh để phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân cho biết, Quảng Bình đã xác định mục tiêu “đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Và để hiện thực hóa nhiệm vụ trên, Quảng Bình đã và đang phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, Quảng Bình đã cho ra mắt loạt sản phẩm du lịch mới được xây dựng và đưa vào hoạt động với mục tiêu kép là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp với xu thế của đổi mới điểm đến du lịch hiện nay. Cùng với đó, môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi... cũng được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo để khai thác ngày càng hiệu quả. Đây cũng là định hướng du lịch xanh, phát triển bền vững mà tỉnh Quảng Bình đã và đang hướng đến.
Được biết, Quảng Bình đặt mục tiêu cụ thể là điểm đến hàng đầu Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số khách du lịch đạt từ 25 - 28 triệu lượt. Tỷ lệ đóng góp của du lịch đạt 10 - 12% GRDP tỉnh và góp phần đưa ngành dịch vụ đạt 50,5% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn. Những nỗ lực trong hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần tạo nên những dấu ấn đặc biệt của địa phương trên bản đồ du lịch của Việt Nam cũng như thế giới.
Tại Hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo đến từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, đại diện các doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ định hướng và các nội dung về phát triển du lịch xanh, những cách làm hay để duy trì chiến lược phát triển bền vững,... từ đó tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo phù hợp với lợi thế của địa phương.
Kết nối du lịch với sản phẩm OCOP
Bên cạnh mục tiêu phát triển du lịch nói chung, quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh đã xác định phát triển du lịch nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch. Từ đó, đã khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP, đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, qua đó phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.
Hiện nay, tổng số sản phẩm OCOP của địa phương đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với 168 sản phẩm OCOP, bao gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó, một số sản phẩm nổi bật tạo bản sắc cho địa phương như: khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP.
Tại Hội nghị và đối thoại, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp đã chia sẻ về hành trình chinh phục thị trường của các sản phẩm OCOP Quảng Bình. Đồng thời, bài toán kết nối du lịch và sản phẩm OCOP cũng được đặt ra để có những định hướng giúp các đơn vị, ban, ngành cũng như doanh nghiệp có giải pháp phù hợp trong tương lai.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân kỳ vọng các chia sẻ, đóng góp của những đơn vị sẽ góp phần thực hiện chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững của tỉnh, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm OCOP Quảng Bình.
“Các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tiếp tục tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá;tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành, để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế; gia tăng sự kết nối giao thương giữa các doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã; tăng cường sự đoàn kết, đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân cho biết.