Ngày 26.12, theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, đơn vị đã khoanh nợ cho 1.735 người nộp thuế, với số tiền hơn 17,6 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn ngành thuế đã thực hiện khoanh nợ cho 5.611 người nộp thuế, với số tiền hơn 49 tỷ đồng.
Theo Điều 83, Luật Quản lý thuế, các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ bao gồm: Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.
Cùng với đó, người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, cũng thuộc trường hợp được khoanh tiền thuế nợ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình Võ Văn Sơn, để việc tổ chức triển khai thực hiện luật trên địa bàn tỉnh đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao, Cục Thuế tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên tinh thần khoanh nợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra hiện tượng trục lợi từ chính sách.
Ngành thuế cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát hồ sơ, phân loại nợ, xác định đối tượng cụ thể theo từng trường hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.