Tại Quảng Bình, trong thời gian qua, Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh ngày một hiện hữu rõ rệt trong đời sống hàng ngày của người dân. Nhiều ứng dụng công nghệ tham gia tích cực vào đời sống thực tế, tạo dấu ấn thực chất và thay đổi lớn, không chỉ trong cách giao tiếp và đối thoại, mà còn để lại chuyển biến tích cực cho đời sống thường nhật.
Được triển khai thử nghiệm trên địa bàn thành phố Đồng Hới từ năm 2022, đến nay, Hệ thống phần mềm dùng chung Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường đã được ứng dụng trên toàn tỉnh Quảng Bình, mang đến những kết quả bất ngờ cùng sự đón nhận tích cực trong nhân dân.
Chỉ với một “chạm” trên điện thoại thông minh, người dân có thể phán ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống và gửi lên hệ thống tích hợp trong ứng dụng QUANGBINH-S. Từ đó, Ban chỉ đạo tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường (BCĐ), Sở Thông tin và Truyền thông, gửi nội dung đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhanh chóng xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại cũng như giải đáp vướng mắc. Khả năng tương tác 2 chiều và đối thoại trực tiếp giúp giảm thiểu thời gian, rút ngắn không gian trong quá trình làm việc của người dân và cơ quan các cấp, các ngành.
Đặc biệt, thông tin trong suốt quá trình phản ánh, xử lý đều được công khai, góp phần minh bạch hiệu quả làm việc cũng như đáp ứng kỳ vọng của người dân về công tác quản lý. Người dân có thể giám sát và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý của từng cơ quan, đơn vị.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1983), người dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết: “Vì bận công việc, lại ở làng biển xa trung tâm, nên tôi không thể thường xuyên gặp chính quyền, cũng không rõ nên tới đâu. Nhưng nay có thể phản ánh các vấn đề ngay trên điện thoại này, rất tiện lợi mà các cơ quan cũng hồi đáp nhanh”.
Theo thống kê của Bam chỉ đạo, tính đến hết năm 2023, ứng dụng QUANGBINH-S có gần 4.000 lượt tải và cài đặt. Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh đã tiếp nhận 276 phản ánh, chủ yếu liên quan đến trật tự xây dựng, môi trường, kết cấu hạ tầng, chất lượng dịch vụ,…
Ông Nguyễn Vĩnh Huế, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT và TT) Quảng Bình, cho biết, hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường là hộp thư đa phương tiện nhạy bén, cho phép sự tương tác không giới hạn giữa người dân cùng chính quyền, từ đây, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như phát triển chất lượng phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, Trung tâm CNTT và TT cũng đẩy mạnh quản lý, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Trung tâm dữ liệu điện tử, hệ thống phần mềm dùng chung; quản lý, vận hành, ứng dụng các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh…Đồng thời, lên phương án diễn tập thực chiến, điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính, kịp thời cảnh báo các vấn đề về an toàn, an ninh mạng.
Nhập cuộc cùng tiến trình chuyển đổi số đang tăng tốc nhanh mạnh và ngày một sâu rộng trên cả nước, tỉnh Quảng Bình cũng đã chuyển mình, tạo nên nhiều thay đổi căn bản và ghi dấu ấn với Chính quyền điện tử cùng Đô thị thông minh mang nét riêng của địa phương, lấy người dân làm trung tâm để hoàn thiện và phát triển. Từ đó, việc kết nối giữa nhân dân và chính quyền được rút ngắn qua một “chạm”, từng bước xây dựng cuộc sống tốt đẹp, văn minh - tạo nên nơi đáng sống, đáng trải nghiệm đối với toàn dân cũng như khách du lịch.
Với dấu ấn đó, Trung trâm CNTT và TT đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao tặng danh hiệu Tập thể lao động có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023, hướng đến năm 2024 với những bứt phá mới.