Từ quản lý nguồn gene…
Chính sách pháp luật muốn điều chỉnh có hiệu quả một vấn đề, trước tiên phải đưa ra khái niệm rõ ràng, mạch lạc làm cơ sở để xác định những đối tượng cụ thể. Đây cũng là mặt hạn chế trong quy định về kiểm soát nguồn gene. Khái niệm về nguồn gene, mẫu vật di truyền được đề cập trong Luật ĐDSH 2008 còn nhiều điểm mù mờ, gây khó hiểu. Theo đó, “nguồn gene bao gồm các loài sinh vật, mẫu vật di truyền trong khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và trong tự nhiên”. Nếu định nghĩa như vậy thì nguồn gene sẽ bao gồm tất cả thực vật, động vật, vi sinh vật đồng nghĩa với mọi hoạt động của con người đều là tiếp cận nguồn gene.
“Hệ quả là muốn quản lý cũng không thể quản lý hết được vì đối tượng quá rộng. Thực tế đó đòi hỏi cần thu hẹp đối tượng nguồn gene định quản lý, nên chăng chỉ quản lý những nguồn gene quý hiếm có giá trị kinh tế cao, những nguồn gene có tiềm năng khai thác sử dụng” - Nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn ĐDSH, Bộ Tài nguyên – Môi trường Lê Thanh Bình nhấn mạnh.
Điều 55, 56 Luật ĐDSH quy định phân công các cấp trong quản lý nguồn gene bao gồm Nhà nước quản lý chung, ban quản lý khu bảo tồn, chủ cơ sở bảo tồn, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất rừng, mặt nước và UBND xã. Như vậy, bất cứ nguồn gene nào cũng có chủ quản lý, song công cụ kỹ thuật để họ thực hiện nghĩa vụ của mình vẫn còn bỏ ngỏ.
Đơn cử như chưa có quy định về hợp đồng tiếp cận nguồn gene cũng như mẫu của hợp đồng, giấy phép tiếp cận nguồn gene khiến cho tổ chức, hộ gia đình và chính quyền cơ sở lúng túng không biết phải giữ nguồn gene như thế nào. Hay như quy định giao cho hộ gia đình, cá nhân có chức năng quản lý phải thông tin về nguồn gene cũng là điểm còn hạn chế bởi “không ai bắt anh nông dân có giống lúa phải thông tin cụ thể về nguồn gene giống lúa của mình” - Ts Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nói.
... tới chia sẻ lợi ích
Theo nhiều địa phương, thách thức lớn trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gene là nước ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn, còn thiếu nhiều chuyên gia về lĩnh vực này. Vấn đề đặt ra hiện nay là chưa có căn cứ chia sẻ lợi ích cho cộng đồng ở vùng đệm của các khu bảo tồn, mặc dù cộng đồng là đối tượng cần được ưu tiên, nhằm khuyến khích họ tham gia bảo tồn.
Ban quản lý, tổ chức khu bảo tồn nguồn gene sẽ được chia sẻ lợi ích từ nguồn gene đó theo quy định tại Khoản 2, Điều 61 Luật ĐDSH. Như vậy, cộng đồng sinh sống ở khu bảo tồn sẽ không được chia sẻ lợi ích từ nguồn gene nếu không thuộc đối tượng được giao quản lý. Hơn nữa, theo quy định pháp luật hiện hành thì diện tích vùng đệm không được tính vào diện tích khu bảo tồn nên càng không có căn cứ để chia sẻ lợi ích cho cộng đồng từ nguồn gen của khu bảo tồn. Giải pháp tốt nhất để bảo đảm được lợi ích của cộng đồng là phải có văn bản hướng dẫn thi hành Luật ĐDSH về quản lý và chia sẻ lợi ích từ nguồn gene, xác định cụ thể cộng đồng tại vùng đệm là một bên liên quan trong ba bên được chia sẻ lợi ích theo quy định tại Điều 61.
![]() |
Một nội dung liên quan đến tiếp cận nguồn gene và chia sẻ lợi ích là quyền tác giả giống cây trồng, vật nuôi. Bảo hộ tốt quyền này sẽ bảo đảm cho việc chia sẻ công bằng lợi ích từ nguồn gene, đồng thời phát huy sức sáng tạo, tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi hữu ích, từng bước phát triển bền vững đa dạng nguồn gene. Điều đó được cụ thể hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nghị định 104/2006/NĐ - CP và Pháp lệnh Giống cây trồng 2003 nhưng mới chỉ đề cập tới nghiên cứu, chọn, tạo, đặt tên, công nhận giống cây, giống con mới còn quyền tác giả đối với giống cây trồng, vật nuôi vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Với phương pháp liệt kê truyền thống như đưa ra danh mục các đối tượng hoặc trường hợp không được phép xuất khẩu, vấn đề xuất khẩu nguồn gene đã bước đầu được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Danh mục những giống cây trồng và vật nuôi quý hiếm không được xuất khẩu ra nước ngoài do Bộ NN và PTNT ban hành hay Danh mục những loài động vật, thực vật quý hiếm ban hành theo Nghị định 32/2006/NĐ - CP vẫn chưa bao quát tất cả những nguồn gene quý hiếm thuộc chủ quyền nước ta. Hệ quả là các nguồn gene sinh vật nằm ngoài những đối tượng nêu trên chỉ cần qua cửa kiểm dịch có thể mang ra nước ngoài. Thực tế cho thấy, không ít tổ chức, cá nhân nước ngoài trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học, sưu tầm, du lịch đã mang nguồn gene của nước ta về để kinh doanh, tiến hành lai tạo giống mới hoặc khôi phục giống cho mục đích thương mại.