Sáng 26.3, tại TP. Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn cho biết, Phú Thọ là địa phương có vị trí địa kinh tế quan trọng của miền Bắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Phú Thọ được quy hoạch nằm trong Vùng Thủ đô; là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy trong khu vực, kết nối trung chuyển hàng hóa cho các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng; đồng thời nằm trong vành đai của nhiều tuyến trục giao thông quan trọng như tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế và nguồn nhân lực phong phú được đào tạo cơ bản, Phú Thọ hội tụ nhiều điều kiện riêng có để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng động lực tiềm năng Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Mặc dù quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, song những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của Phú Thọ đã có nhiều thay đổi nhanh chóng. Tốc độ tăng ttrưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,29%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,4 triệu đồng; cơ cấu kinh tế được chuyển đổi phù hợp với công nghiệp - xây dựng 40,9%, dịch vụ 40,4%, nông lâm nghiệp - thủy sản 18,7%.
Đặc biệt, tỉnh đã huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2023 đạt khoảng 118,7 nghìn tỷ đồng. Dịch vụ logistics đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và địa phương.
Giai đoạn 2021 – 2023, theo số liệu của Sở Công thương Phú Thọ, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực vận tải, kho bãi đạt 7,2%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh duy trì ổn định ở mức 3,5%.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Sơn, hoạt động logistics tại Phú Thọ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế lớn.
Cụ thể, tỉnh hiện chưa có trung tâm logistics tương xứng với vị trí địa kinh tế - giao thông; sự liên kết về logistics với các tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu; kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa khiến chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển bị kéo dài; chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.
Theo Quy hoạch chung của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trên địa bàn tỉnh xây dựng 3 trung tâm logistics, gồm 01 trung tâm logistics cấp vùng nằm trong tổng thể Khu công nghiệp dịch vụ Bắc Sơn với diện tích 54,5ha; 02 trung tâm logistics cấp tỉnh (tại huyện Lâm Thao và huyện Hạ Hòa).
Tại Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, UBND tỉnh Phú Thọ xác định mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ này vào GRDP đạt khoảng 5 – 6% vào năm 2025; bước đầu hình thành mạng lưới trung tâm phân phối (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong và ngoài tỉnh; tập trung thu hút đầu tư, hình thành 2 trung tâm logistics cấp tỉnh và 01 trung tâm logistics cấp vùng.
Để thúc đẩy logistics phát triển, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn đề nghị, Phú Thọ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16.12.2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trên cơ sở đó, tỉnh hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics phù hợp.
Tỉnh cũng cần tập trung triển khai Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025; chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội; đồng thời ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi”, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics.
Song song với đó, Phú Thọ cần đẩy mạnh hợp tác logistics với các địa phương trên các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ, khai thác triệt để lợi thế vận tải đường thủy trên 3 con sông (sông Hồng, sông Đà, sông Lô); đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong logistics ở cả lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn...