Phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Hiện nay có nhiều trường hợp người bị hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây ra thương tích hoặc làm chết người, dẫn đến phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Vậy, tôi muốn hỏi, thế nào là phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng? – (Vũ Nguyễn Anh Bằng - Yên Bái).

Về nội dung này, Luật sư Trần Thị Thúy (Giám đốc Công ty Luật Tâm Trí Thịnh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) tư vấn như sau:

Phòng vệ chính đáng là gì?

Phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Luật sư Trần Thị Thúy

Theo khoản 1, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), “phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Thế nào là vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng?

Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Hình sự quy định hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”. Đồng thời, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điểm c, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự cũng quy định người phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ được xem xét đó là tình tiết giảm nhẹ khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi hội tủ đủ các yếu tố sau:

+ Về phía nạn nhân (người bị chết hoặc người bị thương tích) phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải có tính chất nguy hiểm đáng kể. Khi xét hành vi xâm phạm trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải xem xét trong mối tương quan với hành vi chống trả, không phải bất cứ hành vi tội phạm nào xảy ra, người có hành vi chống trả gây chết người hoặc gây thương tích cho người có hành vi xâm phạm đều là phòng vệ chính đáng.

+ Về phía người phòng vệ

Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho người có hành vi xâm phạm.

+ Hành vi chống trả phải cần thiết

Cần thiết không có nghĩa là ngang bằng theo cách xác định như toán học. Sự chống trả cần thiết trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm, tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ

Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác. Phòng vệ chính đáng còn là quyền của con người chứ không chỉ là nghĩa vụ nên không yêu cầu phương pháp, phương tiện của người phòng vệ phải như phương pháp, phương tiện mà người tấn công sử dụng.

Nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: A vào nhà B mục đích để trộm tài sản của B. Khi B phát hiện, A dùng con dao, hoặc hung khí nguy hiểm khác để tấn công B nhằm không bị tố giác tội phạm, khiến B bị thương. Trong lúc bị A tấn công, B vớ được hung khí khác chống trả lại A, khiến A bị chết. Thì hành vi giết A của B được xem là phòng vệ chính đáng và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng, nếu khi A bị B phát hiện, A chỉ dùng tay chân (không dùng hung khí) để đánh B nhằm mục đích tẩu thoát, nhưng B lại dùng dao để chống trả dẫn đến A bị chết thì hành vi B đánh chết A được gọi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng..

Mức xử phạt khi phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cụ thể, trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:

Căn cứ Điều 136, Bộ luật Hình sự, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử lý theo quy định sau:

- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

- Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Điều 126, Bộ luật Hình sự quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cụ thể:

- Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.