Khan hiếm vật liệu thi công ảnh hưởng tiến độ giải ngân
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP. Cần Thơ được Thủ tướng giao là 10.468 tỷ đồng; đến ngày 20.5, thành phố đã giao chi tiết kế hoạch vốn là 8.849 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Cần Thơ, đến ngày 7.6, số vốn đã giải ngân là 2.574 tỷ đồng, đạt gần 29,09% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao chi tiết và đạt 24,59% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 1,13 lần về giá trị và tăng 1,19% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023. Ước giải ngân đến ngày 30.6 là 3.100 tỷ đồng, đạt 29,61% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 35,03% kế hoạch HĐND thành phố giao.
Kết quả giải ngân chưa như kỳ vọng của Cần Thơ xuất phát từ nhiều lý do như khó khăn trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khan hiếm nguyên vật liệu cát để san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn. Bên cạnh đó, công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, nhất là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn thấp so với giá thị trường. Vì vậy, khi triển khai, kinh phí bồi thường của nhiều dự án tăng mạnh, làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt nên phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến quá trình giải ngân. Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa lường được hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt…
Tương tự, những vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và khó khăn về nguyên vật liệu phục vụ thi công cũng là nguyên nhân khiến cho giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Hà Giang bị chậm.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 15.6, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã giải ngân là hơn 1.330 tỷ đồng (gồm cả kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện năm 2023 sang 2024), đạt 29,16% tổng kế hoạch vốn (4.562 tỷ đồng). Tổng kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là trên 2.291,6 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 306 tỷ đồng, đạt 13,37% kế hoạch. Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 18 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức trung bình của tỉnh, 11 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh và 10 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân.
Tính chung 5 tháng đầu năm, luỹ kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 qua KBNN là 147.947 tỷ đồng; bằng 22,3% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng giao (663.806 tỷ đồng); bằng 20,9% kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2024 giao (706.206 tỷ đồng).
Tạo thuận lợi cho chủ đầu tư
Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ban hành tháng 4.2024, Thủ tướng xác định “đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính (KBNN) chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thanh toán, quyết toán, kiểm soát chi để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của kho bạc.
Thực hiện nhiệm vụ này, KBNN đã có công văn yêu cầu KBNN tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để đẩy mạnh thanh toán vốn đầu tư công qua dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, KBNN yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của KBNN, của Tổng giám đốc về tăng cường kiểm soát chi ngân sách, giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi trả ngân sách; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, KBNN lưu ý các đơn vị KBNN trực thuộc phối hợp chặt với chủ đầu tư để đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thời gian xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư. Đồng thời, vận hành và khai thác hiệu quả các chương trình DTKB-GD (Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN) và chương trình DTKB-LAN (Chương trình tổng hợp báo cáo đầu tư công kho bạc), bảo đảm các hồ sơ kiểm soát chi đầu tư được kiểm duyệt chặt chẽ, đúng quy định và tổng hợp, báo cáo kịp thời, chính xác về số liệu giải ngân, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền.
Theo tinh thần chỉ đạo của KBNN, KBNN Cần Thơ cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục rà soát thủ tục, quy trình kiểm soát thanh toán, rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát chi; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến, không để tồn đọng bất cứ hồ sơ nào mà không rõ lý do. Ngoài ra, KBNN Cần Thơ đã yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc trong quá trình kiểm soát thanh toán vốn phải kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền.
Cũng vậy, KBNN Hà Giang cho biết sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ đơn vị sử dụng ngân sách trên chương trình dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm các giao dịch thông suốt, liên tục, không bị ách tắc và thực hiện thanh toán ngay cho các công trình, dự án đủ điều kiện giải ngân; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ gây khó khăn phiền hà làm chậm tiến độ giải ngân…