Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức 3 tọa đàm và hội thảo khoa học, khảo sát thực tế TP. Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hà Nội để có thêm cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc để Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2 tới, cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua dự án Luật quan trọng này.
Tại tọa đàm, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận sâu, làm rõ khái niệm tổ hợp công nghiệp quốc phòng, lựa chọn mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng phù hợp với thực tế nước ta trên cơ sở nghiên cứu mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng của các nước trên thế giới; cho ý kiến về thành phần tổ hợp công nghiệp quốc phòng, chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, đại biểu và tiếp tục nghiên cứu, làm rõ mục tiêu của mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng; giải quyết câu chuyện giữa tính đặc thù và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó tính đặc thù tức là phải vượt trội hơn so với hệ thống pháp luật hiện nay, như vượt trội về chính sách về đất đai, giá, thuế, phí, chính sách đối với nhà khoa học…; bảo đảm tính bao quát, tính cụ thể ngay trong từng chương, từng điều luật, tháo gỡ những ách tắc của luật pháp hiện hành trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc nội dung nào chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm và chưa có sự đồng thuận cao thì quy định về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, giao Chính phủ quy định chi tiết và tổ chức thực hiện thí điểm.