Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng các thành viên Đoàn giám sát, chuyên gia, khách mời và Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2021, công tác quản lý sử dụng tài nguyên của Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực; đất đai được quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch; nhiều diện tích đất hoang hóa được khai thác đưa vào sử dụng cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống Nhân dân, hiệu quả sử dụng đất nâng lên; tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng cơ bản đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Về quản lý, sử dụng đất đai, công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, thực hiện lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo trình tự quy định. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đã được liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng; quy hoạch rà soát 3 loại rừng và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đến sử dụng đất.
Các giải pháp xử lý đất nông lâm trường được Lâm Đồng tích cực triển khai thực hiện, 6/8 lâm trường là các công ty TNHH một thành viên đã trình phương án sử dụng đất, bàn giao 5.389,2 ha đất về địa phương quản lý. 13 nông trường là các công ty nông nghiệp đã lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy trình 299, hiện chưa thực hiện rà soát do chưa có kinh phí.
UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Đầu tư công; Luật Đất đai; Luật Lâm nghiệp theo hướng xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể trong việc tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng ngành, từng lĩnh vực, cho phép tách phần chi phí giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, tăng cường phân cấp cho HĐND hoặc UBND cấp tỉnh trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng.
Đối với Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: tháo gỡ vướng mắc trong quản lý và sử dụng vốn ODA; trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chế tài xử lý với tình trạng diện tích đất ở tại các khu dân cư sau khi được giao đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, chậm xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; trách nhiệm của người đứng đầu nơi để xảy ra lãng phí, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra...
Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với báo cáo của UBND tỉnh và cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng, chỉ đạo quyết liệt. Trong giai đoạn 2016-2021, Lâm Đồng đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một số thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc xây dựng, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đầy đủ, tuy nhiên, một số năm còn ban hành chậm, ảnh hưởng đến việc xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các đơn vị trên địa bàn. Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả giai đoạn và hàng năm theo đúng quy định; cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu trọng điểm cần tập trung tiết kiệm, bám sát vào đặc điểm, đặc thù của cơ quan, đơn vị để xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị, địa phương để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng làm rõ những bất cập, vướng mắc và kiến nghị cụ thể liên quan đến các quy định của hệ thống pháp luật trong thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn, nhất là các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư như: dự án Luật Đất đai, Luật Đầu thầu và một số dự án Luật trong chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, như Luật Ngân sách Nhà nước, pháp luật về thuế, quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận, đánh giá cao các báo cáo của UBND tỉnh, HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của địa phương trong giai đoạn 2016 - 2021. Các kiến nghị của địa phương cũng được thể hiện khá rõ trong các báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những kết quả đạt được của Lâm Đồng trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, được Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm. Địa phương là nơi trực tiếp áp dụng, tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời cũng là nơi kiểm chứng chính sách, pháp luật. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kết quả giám sát tại địa phương là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.
Chia sẻ với những khó khăn của địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Lâm Đồng cần tiếp tục hoàn thiện các báo cáo; cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu; đánh giá thêm các mô hình hay, cách làm hiệu quả; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Với mục tiêu cao nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự thuận lợi trong triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, địa phương cần có bảng thống kê phụ lục đầy đủ, trong đó nêu cụ thể, rõ ràng các đề xuất cần sửa đổi, bổ sung ở điều, khoản trong luật nào; cần sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới theo hướng nào… Với những vấn đề đã chín, đã rõ, được kiểm nghiệm trên thực tế, thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cần chủ động chỉ đạo khắc phục, xử lý ngay, không đợi đến khi Đoàn giám sát có kết luận hay Quốc hội có nghị quyết.