- Ủy ban Tài chính - Ngân sách lấy ý kiến về chính sách tài chính đất đai và giá đất
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cán bộ, công chức Vụ Tài chính - Ngân sách.
Theo Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong năm 2023, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên theo chương trình, kế hoạch với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với năm 2022, Ủy ban và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã triển khai nhiều công việc phát sinh, đột xuất khác. Trong đó, có nhiều nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi gấp về thời gian và đều được triển khai, hoàn thành đầy đủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Trong công tác lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật, 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia xây dựng các nội dung trong Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội… Trong đó, có Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu…
Ủy ban cũng đã tham gia phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để thẩm tra đối với 16 nội dung; chuẩn bị các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về chính sách tài chính đất đai và giá đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)…
Trong công tác giám sát, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo hoàn thành các nội dung trong chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban, bảo đảm về tiến độ và chất lượng. Đặc biệt, giám sát chuyên đề của Ủy ban về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu đã tạo được chuyển biến tích cực về tốc độ hoàn thuế; chủ trì tham mưu xây dựng Báo cáo giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đạt kết quả tốt.
Đạt được những kết quả nêu trên trước hết là do sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và chặt chẽ của Lãnh đạo Quốc hội; cùng với đó là tinh thần làm việc tích cực, chủ động, trách nhiệm, không kể thời gian làm thêm giờ, làm đêm, làm việc cả ngày nghỉ của tập thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban và Vụ tham mưu, giúp việc; tiếp tục duy trì xây dựng Chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết, tính chủ động, khoa học và kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó kết quả tham mưu, thẩm tra các dự án luật, các nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước của Ủy ban đạt được nhiều kết quả tốt, thể hiện rõ chính kiến, cung cấp nhiều thông tin, số liệu…
Về một số phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ chủ trì thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); cho ý kiến về Nghị định của Chính phủ quy định về việc thành lập và quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác; chủ trì thẩm tra các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)…
Đồng thời, Ủy ban cũng thẩm tra Báo cáo kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực chỉ cho phòng, chống dịch Covid-19 của giai đoạn 2020-2022; chủ trì giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023"…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành với Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và dự kiến kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban; đánh giá cao tập thể Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và tập thể cán bộ, công chức, đảng viên trong đơn vị đã cố gắng, nỗ lực, đoàn kết để hoàn thành cơ bản, xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Các dự án Luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua đều đạt tỷ lệ tán thành cao, đặc biệt Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tạo lập hành lang pháp lý mới, hiệu quả trong đấu thầu, quản lý về giá.
Ủy ban cũng hoàn thành chủ trì tham mưu xây dựng báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Thường trực Ủy ban thực hiện phối hợp thẩm tra các dự án luật, nghị quyết tích cực, có trách nhiệm, thể hiện quan điểm rõ ràng trong quá trình này; tích cực thực hiện giám sát chuyên đề của Ủy ban, khảo sát, làm việc thực tế về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội…
Trong năm 2024, khối lượng công việc của Ủy ban Tài chính - Ngân sách rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, tăng cường năng lực thẩm tra trong lĩnh vực tài chính ngân sách, trong đó, tập trung một số dự án Luật quan trọng về thuế; tăng cường giám sát các vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội và việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Đồng thời, Ủy ban cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan, nhất là với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu các chuyên đề chuyên sâu; triển khai giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng văn bản góp ý về tính bảo mật, giải mật đối với các văn bản, tài liệu liên quan…