Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Hội thảo.
Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và UBND các tỉnh phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học...
Thực hiện Chương trình, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp: cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022), cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại TP Đà Nẵng lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe 2 chuyên đề về: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tài chính đất đai và giá đất.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất đai là vấn đề rất nhạy cảm, do đó lần sửa đổi này nên đi theo hướng cơ bản là đấu thầu dự án có sử dụng đất, không nêu đấu giá quyền sử dụng đất, vì việc đấu giá chỉ thực sự dành cho những nhà đầu tư nhiều tiền, chứ không thu lợi cho Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết trong tình hình hiện nay; việc lấy ý kiến cần thẳng thắn, chỉ rõ những gì cần sửa đổi nhưng phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và chủ trương, đường lối của Đảng về đất đai.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi) phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Tập trung thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW: Thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ động, tích cực lên kế hoạch tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tham vấn các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương… phục vụ công tác thẩm tra.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, quá trình tổ chức thực hiện Luật cho thấy, còn tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Để bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó trọng tâm là 8 nhóm vấn đề: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần khắc phục các vướng mắc được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, đồng thời giải quyết vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khác với pháp luật về đất đai, tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, sử dụng đất.
Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, có mối quan hệ mật thiết với các luật khác như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… Hiện nay, các dự án Luật này cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, quá trình soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần lưu ý, ngoài việc bảo đảm đồng bộ với các Luật có liên quan đang có hiệu lực, cần phù hợp, tương thích với các Luật khác đang sửa đổi, nhất là vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án án sử dụng đất, việc xác định giá đất.
Một trong những nội dung quan trọng, phức tạp và khó xây dựng các điều Luật là giá đất và tài chính về đất đai. Vì vậy, quá trình soạn thảo Luật cần bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, nghiên cứu kỹ các luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, khả thi khi áp dụng Luật vào thực tế, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai và giảm thiểu việc khiếu kiện về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Các ý kiến tại Hội thảo gần đây nhất do Chủ tịch Quốc hội chủ trì cũng đã đề cập đến vấn đề này, nhất là chuyên đề 3 thảo luận về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (trường hợp nào Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp nào nên thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất); nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như thế nào cho thỏa đáng để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Tương tự như vậy, đối với các hình thức giao đất, cho thuê đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hàng năm), dự thảo Luật cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các trường hợp để vừa bảo đảm nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi xây dựng phương án tài chính trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với các quy định về kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai. Ví dụ trong vấn đề về giá đất, Nghị quyết 18-NQ/TW quy định bỏ khung giá đất, vậy bảng giá đất sẽ được xây dựng theo nguyên tắc, quy trình như thế nào? Vai trò kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất của các địa phương ra sao? Tương tự như vậy, việc điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương sẽ triển khai như thế nào?
"Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày hôm nay đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, giá trị. Đề nghị Ủy ban Kinh tế nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia của các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, địa phương tại Hội thảo để xây dựng báo cáo phục vụ hội nghị chuyên đề pháp luật tháng 9 tới đây và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để trình Quốc hội. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.