Thời gian qua, quán triệt và thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động nhằm phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, như: Quy trình, thủ tục chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); Quy trình giám định BHYT… Công tác phối hợp với các bộ, ngành thanh tra kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và xử lý vi phạm cũng được ngành BHXH thực hiện có hiệu quả.
Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng của ngành BHXH chưa có chuyển biến vững chắc. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng tuy đã được triển khai thực hiện quyết liệt nhưng vẫn tồn tại một số vi phạm nguyên tắc trong quản lý tài chính, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để trục lợi, nhất là đối với công tác quản lý quỹ BHYT. Đoàn công tác đề nghị, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý đối với các lĩnh vực thu, chi, giải quyết chế độ, chính sách, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao kết quả của ngành BHXH đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua; nhấn mạnh, việc xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải nghiêm minh, công khai, minh bạch, công bằng dân chủ. Phó chủ tịch QH cũng lưu ý, BHXH Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng đến một số chương trình, hành động mới ban hành, như: Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham những năm 2020, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước của Chính phủ...