Chủ nhiệm Chương trình KC.10/11-15 Phạm Gia Khánh cho biết, Chương trình hướng đến mục tiêu làm chủ một số kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh ở người. Ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến sản xuất thuốc có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa, thay thế thuốc nhập khẩu.
Với hơn 230 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2011-2015, Chương trình KC.10/11-15 đã triển khai 74 đề tài và đã đạt nhiều kết quả ấn tượng thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Ghép tạng (thận, gan, tim, tụy, phổi, ghép đa tạng, ghép từ người cho chết não, ghép từ người cho sống, ghép từ người cho chết tim); phẫu thuật nội soi (từ phẫu thuật nội soi nhiều lỗ, đến phẫu thuật nội soi một cửa, đến phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên).
Kỹ thuật can thiệp mạch (can thiệp mạch điều trị phình, bóc tách động mạch chủ, can thiệp mạch trong chấn thương gan, thận…); y học hạt nhân; chẩn đoán một số bệnh bệnh ung thư, thần kinh và tim mạch; xạ phẫu; ứng dụng công nghệ sinh học; chuyên khoa (gây mê hồi sức, chuyên khoa mắt, răng hàm mặt,…); dược – văc xin – sinh phẩm (thuốc tiêm đông khô Carboplantin quy mô công nghiệp, văc xin Rota sống, giảm động lực;…
Nhờ có chương trình KC.10, từ năm 2010 ghép tạng Việt Nam cơ bản đã tiếp cận và theo kịp với ghép tạng thế giới. Cũng từ Chương trình KC.10, chúng ta đã sản xuất thành công vắc xin Rota chống tiêu chảy, là nước thư tư trên thế giới sản xuất được vắc xin này. Thuốc đã được Trung tâm kiểm soát và phòng dịch Hoa Kỳ (CDC) kiểm định tính an toàn và hiệu lực. Đặc biệt, văc xin có giá thành bằng 1/3 giá nhập ngoại. Nhờ sản xuất ở trong nước nên vắc xin này sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và đưa vào sản phẩm quốc gia để xuất khẩu.