Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tạo bứt phá
Thời gian qua, với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nghiên cứu KH-CN và ĐMST, phát triển tiềm lực KH-CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ và hạt nhân, các dịch vụ công đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành và đổi mới các biện pháp quản lý, triển khai đi vào thực tiễn, từng bước mang lại hiệu quả.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các cơ quan Trung ương, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp về các chủ đề như hỗ trợ và thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực KH-CN, phát động cuộc thi khởi nghiệp ĐMST lần thứ nhất... Công tác phối hợp giữa Sở với các đơn vị được chú trọng, tổ chức nhiều chương trình góp phần lan tỏa những giá trị của KH-CN và ĐMST đến các tầng lớp nhân dân nói chung, các doanh nghiệp và nhà quản lý nói riêng. Đặc biệt, Sở tham mưu ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực KH-CN, từ đó góp phần tạo ra các chính sách khuyến khích nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.
Hiện nay, ngân sách nhà nước dành cho KH-CN chưa đủ tạo ra những đột phá tại địa phương, tuy nhiên để khuyến khích KH-CN và ĐMST, từ năm 2021 đến nay, Cao Bằng triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN và ĐMST, trong đó, hỗ trợ 25 lượt tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, hỗ trợ 11 lượt doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Sở tiếp tục nghiên cứu tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, hoạt động của Quỹ phát triển KH-CN và các chương trình khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động ĐMST nhằm bứt phá những điểm nghẽn và tạo thời cơ mới.
Về phát triển nguồn nhân lực KH-CN chất lượng cao, hiện Cao Bằng đang thiếu các chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học ở các tổ chức KH-CN Trung ương, nhất là các chuyên gia đầu ngành hoạt động KH-CN. Sở đang nỗ lực triển khai các giải pháp theo Kế hoạch số 318, ngày 5.3.2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 45 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Công tác hợp tác quốc tế luôn được Cao Bằng tăng cường quan tâm, hiệu quả, nhất là về đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hoạt động triển lãm, diễn đàn, sàn giao dịch, chợ công nghệ, hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp tỉnh tham gia các hiệp định thương mại đa phương, song phương, diễn đàn thương mại quốc tế, khuyến khích liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, mục tiêu 100% công chức sử dụng các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường sự minh bạch trong quá trình quản lý KH-CN.
Kinh phí chi sự nghiệp KH-CN năm 2020 của Cao Bằng là 16 tỷ 532 triệu đồng, năm 2021 là 15 tỷ 189 triệu đồng, năm 2022 là 20 tỷ 891 triệu đồng, năm 2023 là 21 tỷ 500 triệu đồng, năm 2024 là 23 tỷ 933 triệu đồng. Trong thời gian tới, phấn đấu chi ngân sách nhà nước cho KH-CN đạt 1,2% - 1,5% tổng chi ngân sách tỉnh, thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tỷ lệ đóng góp của KH-CN và ĐMST vào tăng trưởng GRDP của tỉnh từ 40% trở lên.
Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, giúp đưa các sản phẩm KH-CN vào thị trường nhanh chóng và hiệu quả. Với phương châm cung ứng cho thị trường cái mà thị trường cần chứ không phải cái địa phương đang có, để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ KH-CN, các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử nghiệm, chú trọng chất lượng ngay từ khâu đặt hàng, xác định nhiệm vụ KH-CN theo tính cấp thiết của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng khoa học và đẩy mạnh hoạt động tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN tại địa phương.
Để thúc đẩy phát triển KH-CN và ĐMST trong thời gian tới, các giải pháp cần thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, xuyên suốt, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trước hết là lực lượng công chức quản lý để công tác quản lý nhà nước về KH-CN ngày càng có chiều sâu.