KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc Sapo đầu trang: Ngày 10.2.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là Nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được Bộ Chính trị Khóa XIII xem xét, ban hành, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước trong giai đoạn mới.
Ứng dụng khoa học và công nghệ khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng; ứng dụng giải pháp cảnh báo kết hợp nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương... Đó là những giải pháp được đặt ra tại Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức mới đây.
Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững.
“Giai đoạn 2022 - 2024, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; tinh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo của các địa phương, kinh tế trong vùng đã được phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Trong kết quả, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo các địa phương” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh chia sẻ, với đặc điểm địa hình đa dạng, phức tạp, chia cắt và hiểm trở, vùng trung du và miền núi phía Bắc dễ bị tổn thương bởi thiên tai và các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Do đó, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong khảo sát, dự báo tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu để đưa ra các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế rủi ro thiên tai, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng là rất quan trọng.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự báo, ứng phó với thiên tai
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học cùng 14 tỉnh trong vùng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để đề ra các giải pháp thiết thực, trong đó trọng tâm là triển khai giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và đổi mới sáng tạo vào cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lam cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng một số chương trình phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) mang tính chất đặc thù cho vùng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thăm dò, quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên… Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN phát triển các ngành có lợi thế như nông, lâm nghiệp, chế biến, du lịch; nghiên cứu giống cây trồng nông, lâm nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật...
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh với tổng diện tích hơn 95.000km2 chiếm 1/3 diện tích cả nước. Đây là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Vùng có lợi thế phát triển một số loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su...; diện tích rừng toàn vùng là 5,44 triệu ha, chiếm 39,6% diện tích rừng toàn quốc; có thế mạnh phát triển cây ăn quả, đứng thứ hai sau vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Còn theo đại diện Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, thời gian qua, Viện đã phối hợp với Viện Địa chất triển khai 7 nhiệm vụ nghiên cứu tại khu vực miền núi phía Bắc, trong đó tập trung nghiên cứu phương pháp đánh giá rủi ro và cảnh báo và các giải pháp công trình giảm nhẹ, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất kết hợp phát triển kinh tế, xã hội. Từ các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đề xuất cần tiếp tục xây dựng các bản đồ phân vùng, bản đồ nguy cơ thiệt hại do lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở với tỷ lệ lớn. Chuyển đổi thành các mảnh bản đồ dạng bỏ túi cấp cho các cán bộ thôn bản, xã, huyện. Xây dựng các ứng dụng điện thoại để người dân có thể theo dõi được lượng mưa, nguy cơ chi tiết cấp thôn bản.
Về dự báo, cảnh báo, các nhà khoa học đề xuất cần cập nhật, điều chỉnh ngưỡng cảnh báo lũ bùn đá, lũ quét, trượt, lở vào các quy định dự báo, cảnh báo thiên tai quốc gia. Từng bước quan trắc, cảnh báo được phạm vi nhỏ cấp thôn bản. Xây dựng mô hình quản lý tập trung dữ liệu, cơ sở dữ liệu về thiên tai bao gồm lượng mưa, mực nước, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, dữ liệu các điểm sạt lở, lũ quét, dữ liệu các thông tin hỗ trợ trực tuyến (như danh sách, số điện thoại của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp…) và các thông tin khác.