Để đảm bảo sức khỏe tốt, mỗi người chúng ta dù khỏe mạnh vẫn nên định kỳ đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe nhằm kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường có thể xảy ra với cơ thể. Theo thống kê, ngay cả những bệnh nan y, hơn 90% trường hợp nếu phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi.
Đối với thiết bị máy móc cũng cần được xem xét, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hoặc thậm chí phải sửa chữa để duy trì hoạt động lâu dài cho đến hết vòng đời của nó.
Có thể thấy, chi phí để duy trì hoạt động cho máy móc thiết bị của Mỹ tăng từ 600 tỷ USD vào năm 1981 và đến năm 2010 là 1600 tỷ USD, chi phí này tăng đều qua các năm.
Tại Việt Nam, đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về chi phí bảo trì. Tuy nhiên, có thể thấy tại Việt Nam, trình độ bảo dưỡng bảo trì còn thấp nên tổng chi phí bảo trì đang đạt vượt mức 10% tổng giá trị thiết bị, nghĩa là khoảng 5 tỷ USD hàng năm, cũng như nước Mỹ, chi phí này cũng ngày một tăng lên qua các năm.
Với các chi phí duy trì hoạt động cho máy móc thiết bị tăng dần qua các năm, chi phí này đã trở thành một bài toán cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy nhà sản xuất cần phải có một kế hoạch cụ thể để duy trì và bảo dưỡng máy móc khi gặp sự cố hoặc hỏng hóc, và TPM đã trở thành một giải pháp được đưa ra nhằm giải đáp bài toán cắt giảm chi phí bảo trì hiệu quả cho doanh nghiệp.
TPM là chữ cái đầu viết tắt tiếng Anh của Total Productive Maintenance, tiếng Việt gọi là Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể. Có nhiều khái niệm về TPM, tuy nhiên để đơn giản hoá, TPM được hiểu là tập trung vào việc duy trì tất cả các thiết bị trong tình trạng hoạt động tốt nhất để tránh sự cố và chậm trễ trong quá trình sản xuất.
Áp dụng TPM có rất nhiều lợi ích đạt được, trong đó lợi ích của TPM được chia ra thành lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp. Về lợi ích trực tiếp: tăng năng suất và hiệu suất thiết bị toàn phần (OEE); giảm chi phí sản xuất phát sinh do máy móc hỏng và dừng hoạt động thông qua thiết lập một hệ thống bảo dưỡng trong suốt vòng đời của thiết bị; nâng cao sự hài lòng của khách hàng do giao hàng đúng hạn và chất lượng đáp ứng yêu cầu.
Về lợi ích gián tiếp: tạo môi trường làm việc tốt hơn, giảm tai nạn lao động; Cải tiến kỹ năng và kiến thức của cán bộ nhân viên; khuyến khích phát huy tính sáng tạo và tinh thần làm chủ.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, khi áp dụng TPM có thể mang lại nhiều lợi ích như tăng thời gian chạy máy và doanh thu của doanh nghiệp lên 15%-20%, tăng tuổi thọ máy móc, giảm 10%-15% chi phí sửa chữa, giảm 10%-20% năng lượng tiêu thụ.
Tại Việt Nam, trong số các doanh nghiệp đã triển khai đào tạo TPM, nổi bật nhất là Công ty TNHH Dệt Phú Thọ. Công ty TNHH Dệt Phú Thọ với việc tham gia triển khai mô hình TPM đã giải quyết dứt điểm những sự cố “nan giải” của máy móc.
Trước đó, Dệt Phú Thọ đã thực hành bảo trì máy móc định kỳ nhưng chưa giải quyết được hoàn toàn các sự cố như kẹt vòng da tại máy con. Sau khi áp dụng phương pháp TPM, lỗi kẹt vòng da máy con số 1 từ 27 lần kẹt/tháng xuống còn 5 lần/tháng. Kết quả cuối cùng, đã giảm được 96% số sự cố kẹt vòng da xảy ra tại máy con.
Hay Nhà máy thức ăn chăn nuôi C.P. Bình Dương vinh dự được trao tặng giải thưởng TPM Consistency tại TPM Awards 2023. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của C.P. Việt Nam nói riêng, và Việt Nam nói chung đạt giải thưởng này. Để đạt được kết quả này, nhà máy thức ăn chăn nuôi CP Bình Dương đã phải vượt qua nhiều công ty đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Italia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil…
Có thể thấy, TPM là kim chỉ nam và tấm bản đồ vạch ra con đường phải đi cho doanh nghiệp. Nó giúp cho doanh nghiệp biết phải làm gì một khi muốn phát triển lớn mạnh. Đích đến của nó là đưa doanh nghiệp phát triển toàn diện và bền vững thực sự, có sức mạnh cạnh tranh ở khu vực và toàn cầu về giá cả, chất lượng sản phẩm và thương hiệu.