Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì Hội thảo.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ Giao thông và Vận tải cho biết, dự thảo Luật gồm 6 chương, 95 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (gồm: Chương Quy tắc giao thông đường bộ và Chương Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ); giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.
Góp ý về nội dung bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các đại biểu nêu rõ, hiện dự thảo Luật đang quy định “là toàn bộ các hoạt động bảo đảm an toàn và tuổi thọ của công trình đường bộ, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”. Tuy nhiên quy định như vậy mới chỉ nêu được khái niệm, chưa nêu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, của các tổ chức, các cấp chính quyền nơi đường bộ đi qua trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trước những tác động từ bên ngoài; chưa quy định những điều cấm. Thực tế vừa qua cho thấy, kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các công trình phụ trợ cho hoạt động của đường bộ thường xuyên bị xâm hại. Vì vậy các đại biểu đề nghị cần có một khoản quy định nội dung này.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định về lộ trình chuyển đổi phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 để các đơn vị vận tải có kế hoạch đầu tư phương tiện hợp lý trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về triển khai giao thông thông minh như: vấn đề điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh; kiểm soát tải trọng xe bằng công nghệ cân tự động; hình thành dữ liệu, xử phạt nguội...