Tránh núp bóng hợp tác xã để trục lợi chính sách ưu đãi

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Chương trình Công bố nghiên cứu một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức sáng 30.5, tại Hà Nội.

Sửa luật phải chú trọng mục tiêu phát triển hợp tác xã lâu dài

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, hợp tác xã (kinh tế tập thể) đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm. Không nhất thiết phải coi đó là một chỉ dấu, mà đơn giản, đó là một loại hình ưu việt trong một số hoàn cảnh (điều kiện, lĩnh vực, quy mô, mong đợi cá nhân… Hợp tác xã là loại hình tổ chức kinh tế dựa trên sự chi phối của con người (lao động) chứ không phải vốn (tư bản) như trong mô hình công ty…

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Tiến bộ và hoàn thiện hơn -0
Quang cảnh chương trình

Hợp tác xã chỉ có thể vận hành hiệu quả về kinh tế - xã hội khi các xã viên đạt tới một trình độ văn hóa dân chủ cao, các quy chế về công khai - minh bạch được thực hành phổ biến và đầy đủ. Vì vậy, việc duy trì và luật hóa loại hình Hợp tác xã cần dựa trên đặc tính của mô hình này, như một sự phát triển tự nhiên, hữu cơ trong nền kinh tế nói chung, không nên gò ép về vai trò xã hội, không kỳ vọng quá mức, không quản lý quá mức (đánh mất sự bình đẳng)... 

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Tiến bộ và hoàn thiện hơn -1
Nguyên Trưởng Ban Chính sách Phát triển Nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), PGS. TS Chu Tiến Quang phát biểu tại chươn trình

Nguyên Trưởng Ban Chính sách Phát triển Nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), PGS. TS Chu Tiến Quang cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã cần chú trọng các mục tiêu phát triển lâu dài, bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ với các luật khác… Cụ thể, cần các quy định rõ ràng về việc chuyển nhượng vốn giữa các thành viên. Việc kiểm toán định kỳ, thực hành dân chủ trong các tổ chức thuộc khu vực kinh tế tập thể cần được phát huy, nhưng nên tránh sự áp đặt...

Thiếu các liên kết giá trị

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Lê Đức Thịnh đánh giá, hợp tác xã sinh ra để khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên tham gia hợp tác. Phát triển kinh tế hợp tác xã là nhu cầu tất yếu khách quan, tuy nhiên, những năm qua chúng ta vẫn thiếu thể chế nhằm thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện hơn. Từng hộ dân cũng không thể đáp ứng nhu cầu hàng hoá lớn của thị trường. Khi không tham gia hợp tác xã sẽ tạo ra sự tự cạnh tranh và dẫn đến không quản trị về nông nghiệp, hạn chế sự phát triển. Ở Việt Nam vẫn thiếu các liên kết giá trị là "liên kết ngang" giữa người dân với người dân hoặc "liên kết dọc" là liên kết giữa người dân với các nhà đầu tư. Điều này khiến cho số lượng hợp tác xã ra đời lớn nhưng không có người thực hiện.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Tiến bộ và hoàn thiện hơn -1
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh phát biểu tại chương trình

Mặt khác, chi phí sản xuất quá cao, nhưng việc quản trị chất lượng sản phẩm vẫn ở mức thấp, mặc dù đã được cải thiện. Do đó, khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện đại, thị trường của các nước phát triển…

Thực tế, ở nông thôn, những phúc lợi từ việc xây dựng, phát triển hạ tầng mang lại cho người dân đã khá tốt. Tuy nhiên, mức thu nhập của nông dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã vẫn cần những chính sách nhằm tập huấn giúp người dân Việt phát triển cả về tư duy kinh tế và kỹ năng quản trị… Tập trung hơn nữa nguồn lực giúp người dân là thành viên của các hợp tác xã nâng cao kỹ năng, trình độ, năng lực cạnh tranh, tăng hàm lượng ứng dụng khoa học giúp gia tăng tỷ lệ thành công và phát triển cho các hợp tác xã… Mặt khác, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng cần tập trung nhiều hơn vào vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, tạo cầu nối vững chắc cho người dân với các thị trường và nhà đầu tư…”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh nêu ý kiến.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) GS. TS Trần Đức Viên cũng cho rằng, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng cần bảo đảm các thành viên của hợp tác xã phải được đối xử như nhau về quyền lợi và nghĩa vụ. Ngoài ra, để giúp kinh tế hợp tác xã phát triển cũng cần có những quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tránh việc phát triển về số lượng, thiếu sự phát triển theo chiều sâu. Cần chú trọng hơn nữa việc phát triển các thành viên của Hợp tác xã…

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Tiến bộ và hoàn thiện hơn -1
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), GS. TS Trần Đức Viên

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã tăng tính linh hoạt của khu vực hợp tác xã. Theo đó, việc gia nhập thị trường thuận tiện hơn, được ưu đãi chính sách rõ ràng hơn, đặc biệt chính sách thuế, cơ chế tổ chức và hoạt động chi tiết hơn... Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, thực thi cần có các quy định phòng tránh, ngăn chặn khuynh hướng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể để trục lợi. Khuynh hướng phân phối theo vốn (tư bản) lấn án phân phối theo lao động, làm lu mờ bản chất của hợp tác xã…