Với mong muốn dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù sớm được thông qua, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu quan điểm: Tại khoản 2 về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm. Trong đó, có vốn duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đề nghị xem xét có cơ chế chuyển sang vốn đầu tư phát triển. Bởi, số vốn này tương đối lớn, đặc biệt là đối với các địa phương trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn khó khăn về ngân sách.
Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề cập đến một số khó khăn khi triển khai các chính sách tại địa phương, từ đó đề nghị, xem xét, nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, sát thực tiễn, nhằm hướng đến hiệu quả cao nhất. Cụ thể, việc tìm kiếm quỹ đất sạch để chuyển nhượng cho các đối tượng thụ hưởng còn gặp rất nhiều khó khăn; Định mức hỗ trợ thấp, phần lớn hộ nghèo không có khả năng đối ứng, để mua đất ở và giá đất hiện nay tăng rất cao, so với mức hỗ trợ; Các hộ không đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 của Chính phủ; Khó khăn trong việc lập thủ tục sang nhượng, giữa hai bên liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho đối tượng thụ hưởng chính sách. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thực hiện và tiến độ giải ngân...
Tại khoản 5 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Tô Ái Vang lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ một số nội dung: việc cấp có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ được hình thành từ hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ, phát triển sản xuất. Vậy đối tượng người dân, hộ gia đình ở đây, được chọn theo tiêu chí cụ thể nào để tránh có sự xung đột?
Qua nghiên cứu, đại biểu thấy rằng, tại khoản 6 về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây mới chỉ quy định về quy trình ủy thác, mà chưa đề cập tới thủ tục ủy thác như thế nào. Do đó, kiến nghị bổ sung một khoản quy định về thủ tục ủy thác, nhằm giúp địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Liên quan về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân bổ tổng kinh phí từng chương trình còn HĐND tỉnh, hoặc HĐND huyện khi được phân cấp sẽ phân bổ chi tiết đến “Dự án” và “Nội dung thành phần”, khi cần điều chỉnh kinh phí giữa các dự án, giữa các nội dung thành phần trong cùng một chương trình thì thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh hoặc HĐND huyện khi được phân cấp; Còn phân bổ và điều chỉnh kinh phí trong nội bộ “dự án”, “nội bộ nội dung thành phần” thì giao thẩm quyền cho UBND cùng cấp thực hiện.