Chương trình đối thoại nhằm nhận diện những vấn đề lớn đang tác động đến mục tiêu ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024; đồng thời, kiến nghị các chính sách để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 công bố tại hội thảo, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại so với năm 2023.
Về kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024, báo cáo tập trung đánh giá những điểm nổi bật. Trong đó, đáng chú ý là nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp với kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng qua đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế chưa thực sự bền vững. Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua. Từ đó, cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng được báo cáo chỉ ra là tỷ giá, giá vàng và bong bóng tài sản có thể tăng áp lực lạm phát trong năm nay.
Về triển vọng tăng trưởng 2024, VEPR thận trọng dự báo tăng trưởng trong khoảng cận dưới mục tiêu 6%.
Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR khuyến nghị thực hiện 5 nhóm giải pháp, bao gồm: tăng cường giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp; tiếp tục giảm thuế VAT; thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng; và nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định", đại diện VEPR cho biết, kể từ năm 2021, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nguyên nhân được cho là do nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều biến động địa chính trị. Bên cạnh đó, những thông tin lạm phát Mỹ tăng cao ngoài dự đoán đã ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng thế giới.
Gần 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12.4.2024). Trong nước, 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần trong một ngày.
Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường vàng. Để tăng cung ra thị trường, NHNN đã tiến hành các phiên đấu thầu vàng miếng SJC nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng "cơn sốt" vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Do đó, trong phiên thảo luận này, các diễn giả sẽ tập trung khuyến nghị các giải pháp toàn diện và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thị trường vàng để bình ổn cũng như tạo điều kiện cho thị trường vàng phát triển bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Kỳ họp thứ Bảy khai mạc tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Do đó, Báo cáo Kinh tế vĩ mô và các kiến nghị chính sách tại chương trình này được kỳ vọng sẽ là một trong các nguồn thông tin tham khảo hữu ích để góp phần giúp các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết sách đúng và trúng với các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế xã hội.