Người gốc Việt ở Bỉ cả tháng nay tíu tít share link, đăng đàn bàn luận chương trình truyền hình De Mol(Chuột chũi) của đài Vier: “Xem De Mol kênh 4 đi cả nhà ơi, quay ở Ninh Bình đó! Cười muốn điên khi các bạn Bỉ nếm mắm tôm”, “Xem lướt qua bảng Chè đủ loại đã chảy nước miếng”, “Muốn chạy ngay về nhà quá các chế ơi!”...
Thời buổi này chuyện ăn uống, đi lại, gặp gỡ dễ dàng lắm rồi. Thế mà chợt ngước lên màn hình thấy núi non thuyền bè đồng ruộng nón lá vẫn mềm nhũn cả người. Ngẩn ra vì nhớ. Người ta bảo đài Vier mùa này chọn quay chương trình Chuột chũi (10 người chơi thực hiện một loạt thử thách ở nước ngoài) tại Ninh Bình, Hạ Long... là “quảng cáo không công” cho Việt Nam còn gì. Nhưng chính người gốc Việt lại thấy bị lôi cuốn hơn cả. Tôi nghĩ là vì được thấy quê mình qua cách nhìn của người nước ngoài. Thân quen đấy mà cũng là lạ, hồi hộp làm sao! Mấy người bạn của tôi ở thành phố Gent nhắn tin: “Tập này có món chả cá Lã Vọng kìa! Trời ơi ba chén mắm tôm đó chắc ngon dữ lắm vì có màu tím”, “Nhìn họ đi lòng vòng trong chợ mà muốn với tay lấy đồ xuống quá”, “Cách đây hai năm mình có đi xe đạp trong vùng này. Mùa gặt vùng này đẹp lắm”...
Poster chương trình De Mol - Chuột chũi quay tại Việt Nam | |
Nguồn: De Mol-Startpagina/Facebook |
Vợ chồng tôi cũng xem Chuột chũi. Đến đoạn leo bậc thang lên núi thì chồng hỏi: “Sao mấy năm trước đi Ninh Bình không thấy điểm này? Hỏi xem nó ở đâu để hè này về phải leo mới được”. Chẳng lẽ tôi lại bảo: “Anh mới đi Tràng An sao biết hết Ninh Bình?”. Đất nước Bỉ của chồng tôi tròn nhỏ như cái bánh nếp, lái lòng vòng hai đến ba tiếng đã thấy mình ở bên kia biên giới. Thoắt cái đặt chân lên đất Hà Lan, Pháp, Đức hoặc Luxembourg. Còn Việt Nam của tôi gầy mảnh như chiếc đòn gánh oằn nặng trên vai, đi xa rồi còn nghe tiếng đàn bầu ông cụ ngồi bên thềm đền Trần đang gảy. Những người tham gia Chuột chũi có nhiệm vụ vừa phải vượt qua thử thách để tránh bị loại theo từng tập, vừa dò tìm trong nhóm ai là kẻ phản bội. Kẻ giấu mặt này mệnh danh chuột chũi, ẩn mình chơi hai mặt: phá hoại nhóm và liên tục nói dối. Nghe kể ông cụ gảy đàn bầu ở đền Trần đã cao tuổi, am hiểu nhân tình thế thái, một người chơi hỏi: “Cụ đoán giúp trong nhóm chúng tôi ai là chuột chũi?”. Ông cụ cười: “Người Việt có câu: Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Càng xem, càng thấy như mình đã xa quê lâu lắm. “Cảnh leo bậc thang là ở hang Múa đó”, chị Hạnh vừa từ Việt Nam trở lại mách. “Phải tranh thủ đi thôi, về già làm sao leo được nữa”. Không leo cao được cũng chẳng sao, chỉ cần về nhà vẫn còn thấy mẹ. Được mặc áo của mẹ, đi dép của mẹ, đội nón lá ra đường quê, hít sâu những thứ mùi nồng nhiệt của xứ sở. Lại nghe anh Mỹ bảo: “Mỗi khi căng thẳng mệt mỏi quá, anh hay mơ về Hạ Long. Mơ những đêm ngủ tàu, thấy mình cứ trôi xa mãi khỏi vịnh, vừa thức dậy đã hối hả chạy ra boong tàu chờ mặt trời lên. Mơ cho trẻ con ngủ lại trên đảo, tối trời bọn chúng còn nhảy tòm xuống biển bơi. Lúc lóp ngóp lên bờ tảo dính đầy người bọn trẻ sáng lấp lánh như lân tinh...”.
Cũng độ vài năm trở lại đây tôi biết hơn về cái nghề “buôn đồng nát” của không ít người Việt ở nước ngoài. Sữa cho con cho cháu, vitamin cho cha cho mẹ, những thứ “ở bển” mang về uống vào đến đâu mát ruột đến đó. Vì niềm tin đó là của thật, là thứ chất lượng bảođảm. Nhưng mà đến đôi tất, miếng giặt tẩy trắng quần áo, nồi nấu chậm, dung dịch làm sáng đồ đồng, xịt chống muỗi và côn trùng... cũng phải “xách tay” cho cả nhà mua chung, cho cháu chắt họ hàng dùng luôn, nghe mà thấy cay cay khóe mắt. May vẫn có dòng chảy ngược. Như Hendrik vừa đi công tác Việt Nam về, mở tủ lạnh ra mời tôi một gói mít tươi bóc sẵn mua nhanh ở siêu thị Hà Nội. Thấy tôi bảo hạt mít cũng ăn được đấy, vợ của Hendrik định lấy dao bóc vỏ hạt ăn ngay. Tôi can: “Phải luộc hoặc rang như cách ăn hạt dẻ ấy”. Nhìn mấy trái chuối ngự, vài quả măng cụt vợ chồng anh bày trang trọng trên bàn mà xúc động. Còn Thoa đang cho con về quê chơi, nhắn tin quaFacebook: “Đầu tuần sau em tranh thủ ra Biti’s mua giày cho con. Các chị các em có ai muốn em mang giầy sang thì ới nhé, gửi em ảnh và cỡ giày em đi mua luôn nhé!”.
Mỗi tối Chủ nhật, nhìn màn hình chương trình Chuột chũi hiện lên chiếc nón lá che nửa mặt người, tạo một bóng hình mờ tỏ, sao mà hợp tinh thần trò chơi đến thế! Chính chiếc nón lá ấy đã đem lại niềm tự hào cho con trai tám tuổi của tôi khi thực hiện bài thuyết trình trước cả lớp về chủ đề các loại mũ nón: “Mẹ tôi đi dự Tết Việt ở Brussels, được các nghệ sĩ múa tặng cho chiếc nón này. Mẹ bảo người Việt đội nón cả khi mưa lẫn nắng. Người ta múa bằng nón, quạt bằng nón và uống nước cũng bằng nón...”. Vài chục phút trước đó thôi bọn trẻ còn ồ à trước bài thuyết trình về chiếc mũ của phi công Bỉ, giờ chuyển cả chú ý sang nắn nót vẽ tre trúc, ký tên lên chiếc nón lá Việt. Kết thúc bài thuyết trình, con trai tôi nhắc: “Các bạn có câu hỏi thêm nữa không?”. “Đội nón cho chúng tớ xem!” - bọn trẻ trong lớp yêu cầu. Tan học, tôi đến trường đón con, thấy thằng bé bước ra đầu vẫn đội nón lá, vẻ mặt đầy hãnh diện.