Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, năm 2023 tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, tích cực bám sát chỉ đạo của Trung ương, tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, chủ động, sáng tạo, đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp; cùng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả tốt.
Cụ thể, kinh tế - xã hộichuyển biến tích cực và tăng khá; tăng trưởng GRDP tăng 9,40%, xếp thứ 9/63 tỉnh thành cả nước và thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; tổ chức thành Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận, tạo tính lan tỏa cao và mang lại hiệu quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm ổn định. Công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai có kết quả.
Năm 2024, Ninh Thuận xác định là năm tăng tốc nỗ lực quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 và hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ. HĐND tỉnh Ninh Thuận quyết tâm triển khai và giám sát, đôn đốc, đồng hành, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024:Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5 - 2%; tỷ lệ che phủ rừng là 48,14%.
Về tổ chức, HĐND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu 50 đại biểu, thành lập 4 Ban HĐND (Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Dân tộc). Thường trực HĐND tỉnh có Chủ tịch HĐND tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm nhiệm, Trưởng các Ban: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Pháp chế do Trưởng Ban đảng Tỉnh ủy kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch HĐND và Trưởng Ban Dân tộc hoạt động chuyên trách, cùng 7 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách (Kinh tế - Ngân sách: 2; Văn hóa - Xã hội: 2; Pháp chế: 2; Dân tộc: 1).
Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2021-2026, hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Thuận có nhiều đổi mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động như: Tổ chức kỳ họp kịp thời, chuyên nghiệp; thẩm tra xây dựng ban hành nghị quyết chất lượng, khả thi; chất vấn, giải trình sâu sát, thiết thực, cụ thể; tiếp xúc cử tri thường xuyên, chuyên đề đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Trong đó, công tác thẩm tra xây dựng, ban hành nghị quyết có những đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 16 kỳ họp HĐND, thẩm tra ban hành 314 nghị quyết HĐND tỉnh (90 nghị quyết quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, 66 nghị quyết về chủ trương đầu tư, 158 nghị quyết khác).
Hoạt động thẩm tra của Thường trực HĐND, các Ban HĐND đối với dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh phải bảo đảm nguyên tắc và quy định pháp luật. Theo đó, qua thẩm tra, Thường trực HĐND và các Ban HĐND phải rà soát, xem xét kết luận 3 nội dung: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính đúng đắn và phù hợp; bảo đảm nguồn lực và tính khả thi.
Về việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND rà soát, xem xét các nội dung dự thảo, phải bảo đảm chủ trương của Đảng được quy định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các kết luận, chỉ đạo, chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Rà soát, xem xét các nội dung dự thảo nghị quyết bảo đảm quy định Hiến pháp, quy định của luật về nội dung, phạm vi, thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. Rà soát, đối chiếu các nội dung dự thảo phù hợp với Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh; nội dung thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh quyết định biện pháp, chủ trương hoặc thông qua. Rà soát, đối chiếu Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh để từ chối các nội dung UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh chưa đúng thẩm quyền, phạm vi. Rà soát, đối chiếu các luật, nghị định Chính phủ liên quan Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Nhà ở… để thực hiện bảo đảm thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về việc bảo đảm tính đúng đắn và phù hợp, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh rà soát, xem xét, đánh giá tính đúng đắn, cần thiết phải xây dựng ban hành nghị quyết. Rà soát, xem xét cơ sở khoa học để xây dựng các nội dung, phân tích, đánh giá việc lấy ý kiến từ cơ sở, lấy ý kiến các thành phần, đối tượng chịu sự tác động, ảnh hưởng; xem xét các ý kiến đánh giá của chuyên gia, nhà khoa học; xem xét phản biện của Ủy ban MTTQ tỉnh để kết luận tính phù hợp, đúng đắn của dự thảo nghị quyết.
Về việc bảo đảm nguồn lực và tính khả thi, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để nghị quyết triển khai thực hiện đi vào cuộc sống, thì cơ chế bảo đảm quan trọng là nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh rà soát, xem xét dự thảo nghị quyết nêu nguồn lực, thời gian thực hiện, cơ cấu nguồn lực ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa, phương thức huy động, giai đoạn, thời gian… có bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công hay không? Các nguồn lực phải được làm rõ, không chấp thuận các quy định nêu chung chung “nguồn lực hợp pháp khác”. Rà soát kế hoạch triển khai như tuyên truyền quán triệt, đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai nghị quyết, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết (hàng năm, giai đoạn). Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND phải phân tích, đánh giá làm rõ các nội dung dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND tiếp tục bổ sung hoàn thiện hoặc đồng ý báo cáo tại kỳ họp.
Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, hoạt động thẩm tra của Thường trực HĐND, các Ban HĐND phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chuẩn bị qua 3 bước cụ thể, đồng thời khẳng định, với sự đổi mới thường xuyên trong hoạt động thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các Ban HĐND, đại biểu HĐND, các cơ quan, đơn vị liên quan trong chuẩn bị tổ chức các kỳ họp HĐND. Và, sản phẩm cuối cùng của kỳ họp HĐND là việc ban hành nghị quyết, thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều nghị quyết HĐND tỉnh góp phần đột phá phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực năng lượng sạch, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, bất động sản, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.