Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (VPQH), Ban Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Minh Tân đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hải Phòng….
Tại Hội thảo, các đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thì phát triển đô thị góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ đô thị hóa càng cao là một trong các tiêu chí xác định quốc gia thuộc các nước phát triển hay đang phát triển.
Các đại biểu nhấn mạnh, phát triển đô thị tại nước ta vẫn là xu thế tất yếu khách quan trong thời gian tới. Quá trình phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, nếu lấy trọng tâm là phát triển kinh tế bền vững thì đồng nghĩa với việc cần phát triển mô hình đô thị sinh thái, bền vững.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách Nguyễn Minh Tân, hiện nay tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030, khoảng cách còn khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị vẫn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân, chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số; chưa thích ứng với biến đối khí hậu, đáp ứng yêu cầu về quản lý.
Công tác quy hoạch đô thị, định hướng phát triển đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp; việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị còn hạn chế; đầu tư còn dàn trải, chưa khai thác được các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Thể chế, chính sách về phát triển đô thị sinh thái bền vững của nước ta hiện chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định và chưa đổi mới phương thức quản lý. Kinh tế khu vực đô thị chưa phát huy được hết tiềm năng hoặc dưới mức tiềm năng, lợi thế của cả hệ thống đô thị, huy động tối đa cho tăng trưởng kinh tế địa phương và nền kinh tế quốc dân.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách Nguyễn Minh Tân kỳ vọng, đề tài nghiên cứu sẽ có những đóng góp tích cực, cung cấp thêm nguồn thông tin, tài liệu để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan cho ý kiến về các dự án luật liên quan đến chính sách thuế, bảo vệ môi trường, đầu tư, quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng và quản lý đô thị, huy động vốn, tín dụng, đất đai và chính sách đối với doanh nghiệp phát triển đô thị sinh thái. Trên cơ sở nghiên cứu của đề tài, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có thêm tư liệu tham khảo về cơ chế tài chính và chính sách thuế trong quá trình hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.