Kể từ sau chiến dịch Tây Nguyên tháng 3.1975, quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, đánh tan toàn bộ Quân đoàn 2 của ngụy. Trên đà thắng lợi, quân ta thần tốc mở cuộc tấn công Huế, Đà Nẵng. Ngày 29.3, chỉ sau 18 ngày địch bị thất thủ tại Buôn Ma Thuột, toàn bộ Huế, Đà Nẵng đã được giải phóng, 10 vạn sỹ quan và binh lính địch ra hàng. Đây là hai đòn giáng cực mạnh vào tinh thần binh lính Sài Gòn.
Hòng cứu vãn tình thế, quân ngụy lập 2 phòng tuyến: Phan Rang và Xuân Lộc. Phòng tuyến Phan Rang giao cho Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy. Phan Rang cách Sài Gòn 361km về phía đông bắc, có Quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt đi qua. Đây là lá chắn phía đông, hỗ trợ phòng ngự cho cụm cứ điểm Xuân Lộc và che chở từ xa cho Sài Gòn. Bọn chúng tập trung ở đây một lực lượng khá đông, gồm Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 2 lính dù và 3 tiểu đoàn dù được điều từ Sài Gòn ra. Mấy ngày sau, chúng còn được tăng cường 1 tiểu đoàn dù nữa. Về hỏa lực, 2 tiểu đoàn pháo binh và một số pháo do Quân đoàn 3 ngụy điều động đến. Phòng tuyến Phan Rang còn rất mạnh với Sư đoàn 6 không quân gồm hơn 150 máy bay.
![]() Bản đồ trận Xuân Lộc |
Ngày 16.4.1975, quân ta tấn công vào căn cứ không quân Phan Rang và trung tâm thị xã. Pháo lớn của ta bắn cấp tập vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ không quân, đồng thời bắn phá dồn dập vào khu vực máy bay của địch đậu và đường băng để không cho máy bay chiến đấu của ngụy cất cánh. Cùng lúc đó, quân ta tấn công mạnh vào thị xã Phan Rang bằng ba hướng. Lần lượt các tuyến phòng thủ của ngụy bị chiếm. Một trung đoàn quân ta được lệnh cắt đứt đường giao thông trên Quốc lộ 1 ở khu vực Cà Ná cách thị xã Phan Rang khoảng 48km về hướng tây nam nhằm chặn đường rút của tàn quân ngụy.
Ngay từ những loạt đạn đầu tiên của quân ta, bọn ngụy vô cùng hoảng hốt, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi vội vã họp với Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân và Chuẩn tướng Trần Văn Nhật, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh để bàn kế hoạch rút quân. Hệ thống truyền tin của địch bị pháo ta bắn trúng nên quân ngụy không liên lạc được với Bộ Tư lệnh chính của Quân đoàn 3 đóng tại Biên Hòa, cũng như Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn. Đến trưa ngày 16.4.1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Rang. Phòng tuyến Phan Rang mà bọn ngụy hy vọng sẽ chặn đứng bước tiến của quân ta đã bị đập tan chỉ trong một ngày. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang không kịp lên máy bay trực thăng, bị quân ta bắt sống. Riêng Chuẩn tướng Trần Văn Nhật đượåc trực thăng chở đỗ xuống tàu Hải quân, ông dùng máy truyền tin của Hải quân báo cáo về Sài Gòn, khi ấy bọn ngụy quyền chóp bu ở Sài Gòn mới biết tin Phan Rang thất thủ.
Ở Xuân Lộc, thuộc tỉnh Đồng Nai ngày nay, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc, bọn ngụy tập trung Sư đoàn 18 bộ binh còn nguyên vẹn, Lữ đoàn 5 tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh với 42 khẩu pháo các loại, trong đó có 2 khẩu M107 175mm, 2 liên đoàn dân vệ. Tổng số quân phòng thủ Xuân Lộc khoảng 25.000 người. Chính quyền Sài Gòn giao cho Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Quân ta tấn công Xuân Lộc ngày 9.4.1975, những ngày đầu gặp bất lợi do địa hình Xuân Lộc tiện cho việc phòng thủ, ngoài ra địch lại tập trung rất đông quân ở đây. Bọn ngụy còn dùng cả bom CBU-55, một trong những loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, ném xuống xã Xuân Vinh, sát thị xã Xuân Lộc, gây thương vong hơn 200 quân ta và dân thường. Sau 4 ngày chiến đấu, quân ta tạm ngừng tấn công Xuân Lộc để củng cố lực lượng, đánh giá tình hình và thay đổi chiến thuật. Bọn ngụy mừng rỡ, tưởng rằng đã bẻ gãy được cuộc tiến công của ta, chúng huênh hoang tuyên bố, “khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã phục hồi” và “đủ mạnh để giữ vững chế độ”.
Tuy nhiên, đến ngày 15.4.1975, quân ta pháo kích mạnh vào sân bay Biên Hòa khiến quân ngụy không tổ chức được cuộc không kích nào. Trong ngày, quân ta đánh tan Chiến đoàn 52 và Chi đoàn thiết giáp số 13 của ngụy, phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây Xuân Lộc. Toàn bộ chiến đoàn chỉ còn hơn 200 người sống sót. Hai ngày tiếp theo, bọn ngụy điên cuồng phản kích, sử dụng Lữ đoàn thiết giáp số 3 và Chiến đoàn 8 (sư đoàn 5) với sự yểm hộ của gần 200 phi vụ ném bom và hơn 100 khẩu pháo tại các căn cứ Nước Trong, Bà Thức, Long Bình, Đại An nhằm giải tỏa ngã ba Dầu Giây nhưng đều bị quân ta đẩy lui, tiêu hao lớn. Đến ngày 18.4.1975, khi phòng tuyến Phan Rang đã bị phá, các cánh quân ta ồ ạt tiến về bổ sung cho mặt trận Xuân Lộc, các trục lộ giao thông quan trọng nối Xuân Lộc với địa bàn xung quanh đều bị cắt đứt. Trước nguy cơ bị bao vây và tiêu diệt hoàn toàn, ngày 20.4.1975, quân ngụy bí mật rút khỏi Xuân Lộc. Vậy là “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập vỡ hoàn toàn.
Không giữ được Xuân Lộc, Sài Gòn hốt hoảng, tướng Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký: “Sỹ quan thì miệng kêu gọi lính tử chiến, nhưng lại thúc giục gia đình di tản. Tiếp theo đó là một tuần lễ cuối cùng kinh hoàng và hỗn loạn. Đến ngày 26.4, quân đội Bắc Việt đã cắt đứt Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long - nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm chính và nằm trong kế hoạch quân đội Sài Gòn sẽ lui về giữ đồng bằng miền Tây một khi Sài Gòn thất thủ. Thế là Sài Gòn bị cô lập”.
Chính quyền Sài Gòn khủng hoảng trầm trọng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức (ngày 21.4). Phó tổng thống Trần Văn Hương lên nắm quyền nhưng cũng nhanh chóng phải nhường vị trí cho Dương Văn Minh - người được Mỹ hy vọng có thể đàm phán với quân đội Bắc Việt. Đến chiều 28.4, quân ta đã dùng máy bay phản lực A37 của Mỹ dội bom vào căn cứ Tân Sơn Nhất, gây hoang mang tột độ cho quân địch. Sang ngày 29.4, quân ta lại nã pháo dữ dội vào đường băng chính của sân bay Tân Sơn Nhất, kho nhiên liệu bùng cháy, nhiều máy bay trên đường băng nổ tung. Cũng theo hồi ký của tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi ông ta đến Bộ Tổng tham mưu thì viên tướng ba sao Đồng Văn Khuyên - Tổng tham mưu trưởng chính thức vừa được Dương Văn Minh bổ nhiệm đã bỏ nhiệm sở tháo chạy và rời Sài Gòn ít giờ trước đó. Cả ngày 29.4 và sáng sớm 30.4, bầu trời Sài Gòn, trực thăng Mỹ lao vào, lao ra như con thoi để chở quan chức Mỹ di tản.
Đến 9h sáng ngày 30.4.1975, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội ngừng bắn để chờ quân giải phóng vào tiếp quản. Quân ta tiến vào Sài Gòn chỉ gặp vài kháng cự nhỏ lẻ của những kẻ ngoan cố. Đến 11h30 ngày 30.4, Sài Gòn giải phóng, non sông thu về một mối, chấm dứt 30 năm chiến tranh dằng dặc.