Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các thầy cô tiểu biểu; Thông tin về Kỳ thi V-SAT; Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục Hà Nội; Thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025... là những tin tức nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu

Ngày 15.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, 60 nhà giáo vinh dự được tiếp kiến Thủ tướng dịp này là những người thuộc 251 cô giáo, thầy giáo tiêu biểu được vinh danh năm 2024. Các cô giáo, thầy giáo đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo thuộc các cấp học khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền của đất nước.

ttxvn-thu-tuong-ngay-nha-giao-viet-nam-7-7612.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp đại diện các nhà giáo tiêu biểu Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại buổi gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các thầy, các cô là những nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới học sinh; thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người. Các thầy cô luôn tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm vui cho các học sinh.

Theo Thủ tướng, muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy đúng. Đồng thời, phải tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo; có tư duy phản biện, đam mê tìm tòi, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân-thiện-mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Do đó, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức-luyện tài, yêu nghề-yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

ttxvn-thu-tuong-gap-nha-giao-tieu-bieu-2-6831.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên." Phải hoàn thiện thể chế ngành Giáo dục phù hợp tình hình đất nước, khả thi, góp phần thúc đẩy ngành Giáo dục ngang tầm sự phát triển đất nước; phải có cơ chế huy động nguồn lực của Nhà nước, xã hội, các nguồn lực hợp pháp khác để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục tương xứng, để đội ngũ giáo viên ngày càng có chất lượng, toàn diện, yêu nghề hơn, bảo đảm phù hợp, thích ứng tình hình hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện; xứng tầm truyền thống văn hóa-lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, bất khuất của đất nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Tuần qua, ngày 11.11, các sĩ tử được tiếp cận với đề minh hoạ bài thi V-SAT 2025. V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào do các trường đại học phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc gia (Bộ GD-ĐT) tổ chức.

Các trường tổ chức thi V-SAT tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT; đồng thời ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả của các kỳ thi V-SAT.

Khác với 2 năm trước, bài thi V-SAT năm 2025 có những điều chỉnh phù hợp hơn với hướng đánh giá năng lực của học sinh THPT theo Chương trình GDPT 2018, có tính phân loại cao.

Bài thi gồm 8 môn thi độc lập, tương ứng 7 môn học trong chương trình THPT gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh và Ngữ văn. Do đó, từ năm 2025, bài thi V-SAT sẽ có thêm môn Ngữ văn.

Bài thi được tổ chức theo hình thức thi trên máy tính trong thời gian 90 phút với bài thi môn Toán và Ngữ văn; 60 phút các môn còn lại. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Riêng bài thi Ngữ Văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính.

Ngay sau khi công bố 8 bài thi minh hoạ, ngày 15.11, Bộ GD-ĐT có thông báo chính thức về thông tin "Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa bài thi V-SAT để tuyển sinh đại học".
Cụ thể, Bộ khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong công tác tuyển sinh đại học (bài thi V-SAT).
Việc các cơ sở giáo dục đại học hợp tác tổ chức thi phải thực hiện theo các quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non hiện hành.

Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm công tác truyền thông, tuyệt đối không sử dụng các cụm từ, khái niệm làm xã hội hiểu nhầm là bài thi V-SAT là bài thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các kỳ thi tuyển sinh do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức để đảm bảo thực hiện quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề quy định cho điểm ở câu trắc nghiệm đúng sai, Báo Đại biểu Nhân dân có bài biết Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Cần điều chỉnh quy định cho điểm ở câu hỏi trắc nghiệm đúng sai.

Bài viết có đoạn, "Theo lý thuyết, ở dạng thức câu hỏi trắc nghiệm đúng sai, khả năng đoán mò của thí sinh có thể đạt 2 điểm, chiếm 20% tổng số điểm của môn thi. Điều này làm giảm độ tin cậy và độ giá trị của đề thi, khiến việc sử dụng kết quả vào các mục đích của kỳ thi chưa đảm bảo đánh giá đúng năng lực của người học.

Kiểm tra đánh giá quá trình người học có ý nghĩa chẩn đoán điểm mạnh, điểm tồn tại của người học để người dạy có hoạt động giáo dục, dạy học phù hợp. Cũng có những loại kiểm tra đánh giá khác trong giáo dục, nhằm cung cấp thông tin và hiểu biết có ý nghĩa cho các mục đích cụ thể trong suốt hành trình dạy và học.

Việc sử dụng các bài kiểm tra đánh giá có thể cho nhiều mục đích khác nhau, như cung cấp thông tin mô tả trình độ, năng lực của người học tại thời điểm đánh giá; nhận biết sự khác biệt giữa các người học, đánh giá đầu vào và đầu ra để đo lường thành tích học tập của người học,... Ứng với mỗi mục tiêu của hoạt động kiểm tra đánh giá mà người ta xây dựng các bài thi với thời lượng, cấu trúc/định dạng và các dạng thức hay hình thức câu hỏi thi khác nhau để đảm bảo đo đúng được đúng mục đích cần đo".

Bài viết cho rằng, cần điều chỉnh quy định cho điểm của câu hỏi trắc nghiệm khách quan đúng sai.

Để khắc phục băn khoăn của học sinh và giáo viên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tới đây và giảm khả năng đoán mò, tăng độ tin cậy và độ giá trị của đề thi, nhiều chuyên gia khảo thí cho rằng, Bộ GD-ĐT nên thống nhất cách ra đề thi với câu hỏi trắc nghiệm khách quan đúng sai với các ý (a), (b), (c), (d) khai thác được dữ liệu dùng chung của câu hỏi và có độ khó các ý tăng dần từ (a) đến (d) để câu hỏi dạng thức này đánh giá được sát năng lực cần đo. Hiện nay theo đề tham khảo đã công bố, ở một số môn thi, các đề thi đã đáp ứng yêu cầu này.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại quy định cho điểm mỗi ý trả lời đúng của câu hỏi trắc nghiệm khách quan đúng sai của hầu hết các đề thi theo hướng: (i) trả lời đúng ý (a) của mỗi câu được 0,25 điểm; (ii) trả lời đúng ý (a), (b) được 0,5 điểm (không trả lời đúng ý (a) các ý (b), (c), (d) không được tính điểm); (iii) trả lời đúng ý (a), (b), (c) được tính 0,75 điểm (không trả lời đúng ý (a), (b) không được tính điểm các ý còn lại), trả lời đúng cả 4 ý (a), (b), (c), (d) được tính 1 điểm.

Sự điều chỉnh này không ảnh hướng đến cấu trúc, định dạng đã công bố. Đây là giải pháp để hạn chế tối đa các bất cập cố hữu của câu hỏi trắc nghiệm khách quan đúng sai và để đo đúng năng lực cần đo của các lệnh hỏi với dạng thức câu hỏi này.

Đồng thời, với việc điều chỉnh này sẽ đánh giá sát thực hơn với năng lực của thí sinh, tránh khả năng đoán mò và chọn đáp án cầu may. Hiệu quả là làm tăng độ tin cậy và độ giá trị của đề thi - mục đích quan trọng nhất đối với việc sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT cũng như có thể xét tuyển đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục Hà Nội

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất sáng 12.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn, Giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch; trong đó trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch."

Bộ trưởng nhận định, trải qua 70 năm phát triển, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD-ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành.

nth-5318.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô

Tuy nhiên, Giáo dục Thủ đô với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành Giáo dục cả nước cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành Giáo dục.

Một trong những thách thức lớn, theo Bộ trưởng, là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng, biến đổi không ngừng.

Cùng với đó là rất nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Trong đó có thách thức triển khai thành công đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện ở tất cả cấp học, mà hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều hơn ở giáo dục phổ thông với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý, giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách chênh lệch trong chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các trường; giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất.

nth-5234.jpg
Ngành Giáo dục Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Giáo dục Thủ đô cũng cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh,... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn; ở đó chất lượng giáo dục được bảo đảm, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu. Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh thanh lịch trong thời đại mới.

Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến về phương án thi tuyển sinh lớp 10

Thời gian qua, báo chí đã có thông tin phản ánh liên quan dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo đó, dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đề xuất quy định thi lớp 10 thực hiện 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và một môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ cở giáo dục đại học có trường trung học phổ thông lựa chọn và được công bố trước ngày 31.3 hằng năm.

Nhiều phụ huynh dù đồng tình với phương án thi 3 môn vào lớp 10 trung học phổ thông, nhưng bày tỏ sự lo lắng về môn thi thứ 3 "bí mật" được công bố sát kỳ thi là rất gấp gáp.

Trước thông tin trên, ngày 15.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân để hoàn thiện, ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục và học sinh, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành "Đại học Kinh tế Quốc dân"

Cũng trong ngày 15.11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành "Đại học Kinh tế Quốc dân".

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Chiến lược lớn nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân là mong muốn tạo ra một bước đột phá về chất lượng đào tạo. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tạo ra bước đột phá đó.

Điều kiện thứ nhất là về đào tạo đội ngũ giảng viên. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã đẩy mạnh công tác đào tạo giảng viên thông qua 3 hoạt động chính, gồm gửi giảng viên đi học ở nước ngoài; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam và đẩy mạnh việc giảng viên tham dự các khóa học online. Chúng tôi hỗ trợ giảng viên đi học, cấp kinh phí, ngoài kinh phí học còn có khoản khuyến khích để giảng viên hoàn thành khoá học.

Điều kiện thứ hai là tăng cường cơ sở vật chất. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, toàn bộ các phòng học của trường sẽ là phòng học thông minh theo đúng chuẩn mực tốt nhất hiện nay của các trường đại học trên thế giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai phương thức đào tạo Lecture/Seminar. Mô hình Lecture/Seminar được hiểu là việc dạy và học 1 môn học/học phần kết hợp giữa các lớp Lecture và lớp Seminar trong một học kỳ. Lớp Lecture gồm một hoặc nhiều lớp học phần (sinh viên đăng ký học cùng một môn học/học phần) có quy mô không quá 300 sinh viên; lớp Seminar là lớp học phần có quy mô từ 20 đến 30 sinh viên.

Với mô hình này, sẽ có khoảng một nửa thời gian trong các môn học, sinh viên có quyền đến trường hoặc không đến trường nghe giảng. Toàn bộ bài giảng ở các phòng học thông minh sẽ được ghi lại. Sinh viên có thể tham gia trực tuyến hoặc có thể lưu lại các băng video về để học bất kể lúc nào. Trong lớp Seminar, sinh viên chủ yếu tương tác trực tiếp với nhau, tương tác với giảng viên và giải quyết các tình huống, bài tập thực tiễn cũng như các nhiệm vụ cụ thể.

Cách đào tạo như vậy sẽ đảm bảo cho sinh viên có cơ hội giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách tốt nhất và cũng là cơ hội tốt nhất giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng."

Trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024

Ngày 16.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024. Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.

giai-khuyen-khich.jpg
Báo Đại biểu Nhân dân vinh dự nhận giải cuộc thi

Năm nay, từ 800 tác phẩm, Ban Giám khảo đã lựa chọn 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.

Giải đặc biệt được trao cho tác phẩm: Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ của nhóm tác giả Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giáo dục

Cô giáo "vén mây" giúp trẻ vùng cao làm bạn với tiếng Anh
Giáo dục

Cô giáo "vén mây" giúp trẻ vùng cao làm bạn với tiếng Anh

Trên cung đường đèo quanh co, trắc trở lên Bản Mù, huyện Trạm Tấu chứng kiến hành trình cô giáo Nguyễn Hải Quyên - Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, Thị xã Nghĩa Lộ, mang tiếng Anh đến bản vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, nơi ngày đêm lẩn khuất trong sương mù.

75 năm thành lập Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp: Giai đoạn “bước ngoặt” trong chiến lược phát triển
Giáo dục

75 năm thành lập Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp: Giai đoạn “bước ngoặt” trong chiến lược phát triển

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Bùi Trung Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, nhà trường xác định chiến lược phát triển trong những năm tới cũng như tầm nhìn đến năm 2045 là thay đổi nội dung đào tạo, mục tiêu đào tạo, phương pháp đào tạo để thích ứng với nền công nghiệp văn hóa - xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.

Trường Tiểu học Dịch Vọng B kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhì
Giáo dục

Trường Tiểu học Dịch Vọng B kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhì

Sáng 16.11, trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024), trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tiến hành tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

ITN
Nghị viện thế giới

Cải cách toàn diện chính sách tuyển dụng và phúc lợi cho giáo viên

Đội ngũ giáo viên mầm non giữ vai trò then chốt trong sự phát triển trí tuệ và nhân cách trẻ nhỏ, nhưng đang phải đối mặt với nhiều bất cập về thu nhập, phúc lợi và cơ hội nghề nghiệp. Để khắc phục, Luật Giáo dục mầm non mới được ban hành nhằm nâng cao điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ cho giáo viên, nhấn mạnh nguyên tắc "cùng công việc, cùng mức lương", áp dụng cho tất cả giáo viên, bất kể giáo viên trong hay ngoài biên chế.

Nguồn: ITN
Nghị viện thế giới

Giáo dục nâng cao từ cấp mầm non và những hệ lụy

Giáo dục mầm non không chỉ là nền tảng giúp trẻ phát triển kỹ năng và nhận thức cơ bản, mà còn là giai đoạn quan trọng xây dựng nền tảng học tập lâu dài và nhân cách của trẻ. Tại Trung Quốc, giáo dục mầm non được coi là dịch vụ phúc lợi công thiết yếu, được nhà nước chú trọng đầu tư và quản lý. Từ những năm 1950, khi Hội đồng Nhà nước đưa ra những quyết định đầu tiên về cải cách hệ thống giáo dục, giáo dục mầm non đã bắt đầu phát triển có hệ thống và tổ chức rõ ràng.

Trường Đại học Lâm nghiệp phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam
Giáo dục

Trường Đại học Lâm nghiệp phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam

Ngày 16.11, Trường Đại học Lâm nghiệp đã long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1964-2024). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội kỷ niệm 75 năm thành lập
Nhịp cầu giáo dục

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội kỷ niệm 75 năm thành lập

Sáng ngày 16.11, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ kiệm 75 năm ngày thành lập trường (1949-2024), Ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20.11 với sự tham dự của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, đã và đang công tác và học tập tại trường.

 Chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm
Địa phương

Chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Trường Tiểu học dân lập (THDL) Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã không ngừng hoàn thiện, chuẩn hóa và luôn khẳng định là địa chỉ giáo dục tin cậy của các bậc phụ huynh, thế hệ học sinh. Trở thành một trong những cơ sở giáo dục dân lập điển hình, góp phần đưa ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) thành phố trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh.

Ứng dụng công nghệ cao mở ra những hướng đi mới cho ngành lâm nghiệp
Giáo dục

Ứng dụng công nghệ cao mở ra những hướng đi mới cho ngành lâm nghiệp

Ngày 15.11, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững”. Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp.