Cơ chế đầu tư linh hoạt
Hội thảo do Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, Khoa Luật (Trường Đại học Ngoại thương) cùng Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ (Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo) vừa phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Ngoại thương.
Trước đó, Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, nhà trường và các nhà khoa học.
Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo” quy tụ hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Các đại biểu cùng thảo luận về các cơ chế chính sách đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập; kiến tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tinh thần cốt lõi: nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Đồng thời, Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi những vấn đề mang tính cấp thiết, từ chính sách đến pháp luật của Việt Nam cũng như quốc tế, nhằm xây dựng những quy định phù hợp cho Việt Nam để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành “đột phá quan trọng hàng đầu” theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại Hội thảo, TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh đến việc khơi thông hệ thống pháp lý để tập trung giải quyết những vấn đề đột phá được Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đưa ra.
Theo TS Trần Lê Hồng, Dự thảo Luật mới cho phép các tổ chức khoa học công nghệ công lập và đại học tham gia thành lập doanh nghiệp, góp vốn và trực tiếp thương mại hóa kết quả nghiên cứu; miễn trách nhiệm dân sự cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình nhưng không đạt được kết quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó là cơ chế đầu tư linh hoạt, nhằm tăng cường hợp tác công - tư, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế; Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu ý kiến liên quan đến các vấn đề như: nghiên cứu khoa học nói riêng và hoạt động khoa học nói chung vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề các nhà khoa học tự do sáng tạo, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, thanh quyết toán chiếm rất nhiều công sức của các nhà khoa học...
Do đó, ông đề xuất Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo phải khắc phục thông thoáng hơn và có nhiều đột phá mới đối với vấn đề này.
PGS.TS Dương Minh Lam, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ- Trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều chỉnh quy định tài chính, thương mại hóa nghiên cứu và quản lý quỹ khoa học công nghệ.
GS.TS Bùi Tiến Thành, Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải nêu một số đề xuất thể chế hóa các cơ chế thí điểm đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học công nghệ phát triển.
Thảo luận về nội dung tăng quyền tự chủ cho tổ chức khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế và đầu tư hạ tầng nghiên cứu, các đại biểu đã chỉ ra những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán dự án khoa học công nghệ và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng.
Liên quan đến vai trò của đầu tư và huy động tài chính tới sự phát triển bền vững của khoa học công nghệ, các đại biểu nhấn mạnh cần đơn giản hoá thủ tục quản lý hành chính, khơi thông các điểm nghẽn về cơ chế đầu tư, đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế quan để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Một nội dung quan trọng khác được thảo luận tại Hội thảo liên quan đến thương mại hoá kết quả khoa học công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo FTU đề xuất Dự thảo Luật quy định tác giả của nghiên cứu khoa học được hưởng 30% lợi nhuận từ kết quả nghiên cứu, nhưng không có sự đảm bảo rằng sẽ có lợi nhuận trong những năm đầu tiên trong hoạt động của doanh nghiệp. Những người quản lý doanh nghiệp có thể làm lợi nhuận âm, khiến tác giả không nhận được lợi nhuận.
Đồng thời, nên xem xét quy định miễn trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân trước các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những điều kiện cụ thể.
TS Vũ Thị Kim Anh, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Công đoàn đề xuất việc cải thiện cơ chế xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tạo môi trường thuận lợi cho các sáng chế khoa học và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các vấn đề về luật viên chức, luật đấu thầu, thuế và quyền thành lập doanh nghiệp cũng được đưa ra bàn luận để thúc đẩy hiệu quả thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để bứt phá, với tiềm năng tăng trưởng GDP trên 10%, sánh vai cùng những nền kinh tế phát triển trong khu vực. Một trong những bước đi chiến lược, nền tảng để bứt phá mạnh mẽ chính là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Từ kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu khoa học công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đã đề xuất ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo để có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 năm 2025.
Qua đó, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới giúp khoa học thực sự phát triển để xây dựng khung pháp lý hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của thời đại, góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh và hưng thịnh trong kỷ nguyên mới.