Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Cộng đồng hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc"

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức, diễn ra sáng 23.11.

Hội thảo gồm chuỗi hoạt động gồm 4 phiên; quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và trên thế giới thảo luận, chia sẻ các kỹ năng, phương pháp về các cấu trúc, mô hình để có môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh. Trong đó, nhấn mạnh đào tạo thế hệ giáo viên có năng lực kiến tạo những tiết học hạnh phúc, góp phần đổi mới giáo dục, thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam. Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24.11.

10 yếu tố giúp hình thành trạng thái hạnh phúc cho người học

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cách đặt vấn đề “Hạnh phúc trong giáo dục” rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc, dẫu cho trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục.

Chủ đề Hội thảo này cũng hết sức có ý nghĩa khi nền giáo dục của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ. Trọng tâm của sự thay đổi đó là nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người có liên quan.

“Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và phương cách khác nhau ở các bậc học và các đối tượng”, Bộ trưởng nói.

z6060681895968-d88fdf431caa7cd67649c686ab27d097.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, đã có nhiều thảo luận về mục tiêu, đặc điểm, phương pháp, các thành tố, các bên liên quan tới giáo dục và của nền giáo dục hướng tới hạnh phúc của cả người học, thầy cô, phụ huynh và bất cứ ai liên quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh tới một phương diện, một khía cạnh là nhân tố quan trọng của giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc của giáo dục.

“Điều tôi muốn nói tới ở đây là nhân tố nội tại, nhân tố chủ động của người học, cũng là nhân tố cốt lõi và quyết định của hạnh phúc trong giáo dục. Đó chính là việc chủ thể người học tự biết tạo ra và biết cảm nhận, nhận biết về hạnh phúc trong quá trình học. Trong quá trình học mà nhận thấy được sự sung sướng hạnh phúc của việc học, thì người ấy sẽ làm được những việc hết sức lớn lao”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với người học, chúng ta cần bàn tới việc làm thế nào giúp học sinh có được thật nhiều niềm vui sướng trong quá trình học. Niềm vui và sự hứng thú càng lớn lao bền vững sâu xa, thì việc học của người đó càng thành công, càng gặt hái được nhiều kết quả tốt.

Bộ trưởng gợi mở 10 yếu tố giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục.

Thứ nhất, để người học đạt được nhiều niềm vui sướng và hạnh phúc trong việc học, cần giúp người học đặt mục tiêu học tập cho đúng đắn, cho lớn, cho sâu, cho rộng, để có thứ động cơ từ bên trong của sự phấn đấu và đạt tới hạnh phúc. Chí càng lớn, vấp ngã càng dễ vượt qua, cái vất vả càng trở nên nhỏ bé, khó khăn cũng không thể ngăn cản và con đường tới hạnh phúc vì vậy cũng thênh thang hơn. Chí ngắn cũng có niềm vui dễ đạt, nhưng cái dễ đạt bao giờ cũng không có chiều sâu và bền vững. Cuộc sống nếu là tập hợp của những cái dễ đạt, niềm vui dễ thì khó có sự nghiệp lớn.

Thứ hai, học sinh biết tu dưỡng rèn luyện bản thân là gốc của việc học tập phát triển toàn diện và là gốc của việc đạt tới hạnh phúc. Người biết tu dưỡng theo các chuẩn mực sẽ có cảm nhận đúng đắn về hạnh phúc về giá trị của hạnh phúc, về hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc luôn gắn liền với giá trị văn hóa. Thực chất, không có trường học hạnh phúc chung chung. Trường học hạnh phúc chỉ đúng nghĩa chân chính khi hạnh phúc ở trường học đó phù hợp với các giá trị tích cực, các giá trị chuẩn.

Thứ ba, cần biết định hướng, tạo dựng cho học sinh cách tự giải quyết vấn đề trong học tập, tự tìm hiểu, tự xử lý, tự giải đáp, chính là bắt đầu dắt tay học sinh bước đầu tiên vào con đường truy tìm hạnh phúc trong việc học. Chỉ khi đã tự mày mò, tự tìm hiểu, tự giải quyết được, học sinh mới thấy hứng thú và tiếp tục tìm kiếm ở chiều rộng và sâu hơn, suy luận ở cấp độ cao hơn; từ cấp độ, biết, hiểu tới hiểu sâu, suy luận, vận dụng, khái quát. Khi người học vượt qua bất cứ cấp độ nào, sự hứng thú và hạnh phúc cũng gia tăng. Còn khi học sinh không thể giải quyết được, rơi vào bức xúc, bức bối, muốn giải tỏa, khi đó những công cụ hỗ trợ dạy và học, hoặc người thầy giải đáp sẽ giúp học sinh tháo gỡ bỏ vướng mắc.

Thứ tư, kiến giải cá nhân và sự suy nghĩ sâu sắc/khuyến khích văn hóa đọc, sự tranh luận, tôn trọng sự khác biệt trong lớp học, trong quá trình dạy học là quá trình khuyến khích người học bày tỏ quan điểm và cách đánh giá riêng, tinh thần tự do. Đó là quá trình dạy học hướng người học tới sự sung sướng của chính quá trình học tập.

z6060682287169-464d84d9f86cdb49a739b833081313e2.jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo

Thứ năm, dạy học cá thể hóa là phương pháp rất tốt, có thể giúp người học tìm thấy niềm vui và hứng thú riêng trong sự học. Dạy học cá thể hóa nhằm phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của từng cá nhân người học, để có phương pháp riêng, khích lệ riêng, đánh giá riêng, hỗ trợ riêng. Sự phù hợp và hiệu quả đối với các cá nhân là một điều kiện quan trọng và con đường đưa cá nhân đó tới trạng thái hạnh phúc.

Thứ sáu, học sinh cần lấy chính bản thân mình làm chuẩn để đánh giá sự tiến bộ. Học sinh tự cảm nhận và đánh giá về sự tiến bộ của mình. Khi họ thấy mình tốt hơn ngày hôm qua, họ sẽ hạnh phúc.

Thứ bảy, có thái độ đúng và sống trong sáng, biết quan tâm tới người khác là tiền đề của hạnh phúc đích thực.

Thứ tám, học đi đôi với hành, học cần thực hành. Lý thuyết luôn “màu xám” và khó gợi được sự hứng thú, cần gắn chặt học đi đôi với hành, học từ hành và trong hành, hành và học không tách rời nhau. Quá trình này khiến người học nhận được các kết quả từ thực tế và họ sẽ cảm thấy hiệu quả của việc học một cách sinh động cụ thể. Sự sinh động cụ thể này sẽ đem lại hạnh phúc thường trực trong quá trình học.

Thứ chín, hoạt động giáo dục cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc. Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Thứ mười, trong hoạt động giáo dục, người thầy luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú. “Có nhà tu hành đã từng nói, thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Chỉ có những con người hạnh phúc mới có thể kiến tạo cho một thế giới hạnh phúc”, Bộ trưởng nói.

Xây dựng trường học trở thành “một điểm chạm hạnh phúc”

Chia sẻ tại Hội thảo, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) và Hệ thống trường TH School cho biết, TH School ra đời với khát khao tạo dựng một môi trường giáo dục hiện đại và nhân văn, nơi trẻ em Việt Nam có quyền được đón nhận nền giáo dục đẳng cấp quốc tế với môi trường và trang thiết bị học tập chất lượng tốt nhất; nơi trẻ em Việt Nam có quyền thụ hưởng các chương trình giáo dục thể chất toàn diện cùng chế độ học đường tối ưu, được luật hoá bài bản để cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung.

Bên cạnh đó là mục tiêu đưa trẻ em Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu; biết trân trọng văn hóa và nâng niu bản sắc Tổ quốc mình.

“Bằng tất cả khát khao và cống hiến, chúng tôi quyết tâm xây dựng TH School trở thành ngôi trường hạnh phúc - nơi bừng nở niềm vui và lan toả yêu thương”, Anh hùng lao động Thái Hương nhấn mạnh.

z6060682352193-a7cf285ec7bf9519004f4b6d7caca5e2.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) và Hệ thống trường TH School

Sau 8 năm thành lập, TH School đã có những bước tiến vững vàng trong công tác đào tạo, ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật; trở thành nơi con trẻ được học tập, vui chơi, kết bạn, phát triển môi trường tự do và đầy đủ, được thể hiện những khát khao, mơ ước của mình.

Bà Thái Hương khẳng định, TH School không đơn thuần là một mô hình mới, mà còn là một con đường góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Áp dụng triệt để triết lý “trường học hạnh phúc”, nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục trao quyền tự chủ cho mỗi học sinh, khích lệ các em phát huy tinh thần sáng tạo, không ngừng hoàn thiện bản thân để vun đắp nền tảng vững chắc cho thành công của các em trong tương lai.

Cũng theo Anh hùng lao động Thái Hương, không phải ngẫu nhiên “Nhà” luôn gắn với “Trường”, bởi một môi trường học đường hạnh phúc sẽ luôn khơi gợi niềm yêu thích, cảm giác thân thuộc và sự gắn kết bền chặt, nơi mỗi thành viên như người một nhà.

Bà nhấn mạnh thông điệp, hãy xây dựng trường học trở thành “một điểm chạm hạnh phúc”, nơi kết nối tinh hoa tri thức, văn hóa truyền thống và tầm nhìn tương lai; định hướng và trao quyền cho học sinh để sẵn sàng hành trang trở thành những công dân toàn cầu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, giáo dục Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ nhưng vẫn luôn kiên định mục tiêu duy nhất: Tất cả vì học sinh thân yêu. Tuy nhiên, sự nghiệp “trồng người” không thể thành công trong ngày một, ngày hai mà rất cần sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành giáo dục, hiện thực hoá quyết tâm vun dưỡng những thế hệ vàng tương lai, đóng góp cho sự phát triển bền vững của cả một quốc gia, một dân tộc.

Anh hùng Lao động Thái Hương cũng nhấn mạnh tới vai trò của người giáo viên trong việc tạo ra những tiết học hạnh phúc trong ngôi trường hạnh phúc, là nhân tố để đổi mới giáo dục. Bà coi đào tạo giáo viên là ưu tiên số một để đổi mới giáo dục. Đó là lý do bà sáng lập Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) trước khi xây dựng Hệ thống trường TH School - một hình mẫu trường học hạnh phúc, để đào tạo giáo viên cho hệ thống trường TH School và đào tạo nhiều giáo viên ngoài TH School nhằm lan tỏa hạnh phúc trong giáo dục.

z6060682338772-b2ad7a7d58783ec6b7f0e9ab3db351c0.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tích hợp “hạnh phúc” và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục

Tại Hội thảo, các diễn giả quốc tế có bài giảng cung cấp góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp “hạnh phúc” và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục; chia sẻ những kinh nghiệm về giáo dục toàn diện và học tập cá nhân hóa; đặt mục đích và hạnh phúc là trọng tâm trong giáo dục.

Đặc biệt, Hội thảo có các điểm nhấn mang tới hạnh phúc cho con trẻ thông qua giáo dục, bao gồm đa dạng về chủ đề, vừa có chủ đề mang tính chuyên môn và chuyên sâu, vừa có chủ để thường thức thú vị, được thiết kế tập trung vào các khía cạnh cụ thể trong mô hình hạnh phúc SPIRE.

Khung mô hình hạnh phúc SPIRE của Tiến sĩ Tal Ben Shahar cung cấp cách tiếp cận hạnh phúc toàn diện từ năm khía cạnh: Sức khỏe tinh thần (Spiritual Well-being); Sức khỏe thể chất (Physical Well-being); Sức khỏe trí tuệ (Intellectual Well-being); Sức khỏe mối quan hệ (Relational Well-being); Sức khỏe cảm xúc (Emotional Well-being).

Các khía cạnh của mô hình SPIRE được lý giải qua các hội thảo chuyên đề. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn, các diễn giả đã giúp người tham dự hiểu một cách toàn diện về mô hình Hạnh phúc cũng như đúc rút được những bài học để áp dụng trong cuộc sống và giáo dục trẻ em.

z6060682406441-c960a81601ed6206edadd2c4448f1c60.jpg
· Ông Martin Skelton, Cố vấn Giáo dục Quốc tế, đồng tác giả chương trình IPC, Cố vấn Sáng lập TH School chia sẻ tại Hội thảo

Sau phiên khai mạc vào sáng 23.11, trong chiều 23.11 sẽ diễn ra phiên Hội thảo dành cho phụ huynh, tập trung khai thác vai trò “giáo viên” của cha mẹ trong việc định hướng, hỗ trợ con em phát triển một cách tích cực, trọng tâm vẫn là những “tiết học hạnh phúc” tại nhà.

Các hội thảo chuyên đề dành cho giáo viên và nhà quản lý giáo dục tập trung trong ngày 24.11, sẽ chia sẻ các phương pháp giáo dục sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, lấy giáo viên làm trung tâm. Đồng thời, khuyến khích các giải pháp để giáo viên có thể sáng tạo, làm chủ một tiết học hạnh phúc, tạo niềm hứng khởi học tập cho học sinh trên mọi phương diện.

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.