Năm thứ 9 liên tiếp đạt và giữ mức sinh thay thế
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014, tại thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2014, dân số Việt Nam là 90.493.352 người, tỷ lệ giới tính nam là 49,3%, nữ là 50,7%. Điều tra cũng cho kết quả khi tổng tỷ suất sinh (TFR - số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của Việt Nam hiện nay là 2,09 con. Trong 12 tháng trước thời điểm 1.4.2014, ước tính TFR của Việt Nam là 2,09 con - đạt dưới mức sinh thay thế (2,1 con). Như vậy, năm 2014 là năm thứ 9 liên tiếp - kể từ năm 2006, Việt Nam đã đạt và giữ mức sinh thay thế.
Theo đó, tính từ thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở 1.4.2009, dân số Việt Nam đã tăng 4.646.355 người, trung bình mỗi năm tăng 929.271 người. Với quy mô dân số này, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng các nước đông dân trên thế giới không thay đổi so với năm 2009: thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, và thứ 13 trên thế giới. Mật độ dân số nước ta là 273 người/km2. Ba tỉnh, thành phố có số dân đông nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh với 7,955 triệu người; Hà Nội với 7,067 triệu và Thanh Hóa với 3,491 triệu người.
Tính trong giai đoạn 2009 - 2014, tỷ lệ tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06%, thấp hơn trong giai đoạn trước 1,2%. Đây là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 35 năm qua.
Thành công này là sản phẩm của sự kiên trì thực hiện chính sách dân số trong cả một quá trình dài, với thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con”. Cũng từ thành công này, nhằm duy trì một mức sinh hợp lý, tiếp tục ổn định quy mô dân số, ngành dân số đã có bước chuyển đổi thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con” sang thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên có 2 con”. Đây là bước chuyển đổi cực kỳ quan trọng, thể hiện sự chuyển hướng mang tính chiến lược đối với công tác DS - KHHGĐ trong những giai đoạn tiếp theo.
![]() Nguồn: baonghean.vn |
Tỷ số giới tính khi sinh giảm sau nhiều năm tăng liên tục
Mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề nóng nhất và khó nhất đối với công tác DS - KHHGĐ. Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta luôn ở mức trên 110 bé trai/100 bé gái. Mặc dù đã cố gắng khống chế tốc độ gia tăng nhưng từ năm 2009 - 2013, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2013, con số này ở mức 113,8 bé trai/100 bé gái, vượt cả mức giới hạn mục tiêu chỉ số này trong Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ giai đoạn 2012 - 2015 là thấp hơn 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015.
Trước thực trạng đó, ngành y tế - dân số đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, đồng thời tích cực truyền thông, vận động nhằm giảm thiểu tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2009, Tổng cục DS - KHHGĐ đã triển khai thí điểm Đề án Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở 10 tỉnh, thành phố; đến nay đã mở rộng tại 40 tỉnh, thành phố. Đặc biệt trong năm 2014, một hoạt động được đánh giá rất cao, đó là Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Chiến dịch đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể tạo nên hiệu ứng cộng hưởng cao.
Có thể nói sau nhiều năm, bằng nhiều nỗ lực, Việt Nam đã kìm hãm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, lần đầu tiên, tỷ số này ở Việt Nam đã giảm. Theo kết quả Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ lần này: tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam trong 12 tháng trước thời điểm 1.4.2014 là 112,2 bé trai/100 bé gái. Với tỷ số chuẩn trung bình là 105 bé trai/100 bé gái, thì có 7,2 bé trai được sinh thừa ra trên tổng số 112,2 bé trai được sinh ra.
Trao đổi với báo chí ngày 16.12 vừa qua, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: “đây là một tín hiệu mừng nếu nó phản ánh một xu thế và phải tiếp tục theo dõi sát sao trong những năm tiếp theo xem chỉ số này có giảm bền vững hay không. Qua đây cũng thấy khoảng cách để đạt được mục tiêu, hạn chế tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 113 bé trai/100 bé gái là có thể đạt được”.
Thống nhất mô hình tổ chức dân số
Trong 3 năm gần đây, mô hình tổ chức bộ máy dân số tuyến huyện, xã là một nội dung được bàn thảo và tranh luận rất nhiều. Năm 2011, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tiến hành đợt khảo sát, đánh giá về hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác dân số ở tuyến huyện, xã. Từ kết quả khảo sát, Tổng cục DS - KHHGĐ đã tham mưu cho Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị: ở cấp tỉnh - giữ nguyên mô hình Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế; cấp huyện - chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ là đơn vị sự nghiệp hiện đang trực thuộc Chi cục DS - KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện; cấp xã - chuyển cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ hiện đang là viên chức của trạm y tế xã sang là viên chức của Trung tâm DS - KHHGĐ làm việc tại UBND xã.
Đề nghị trên đây đã nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía: UBND huyện, xã - Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ. Hiện có 15 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình này. Theo ý kiến đánh giá chung của các địa phương có 3 cái được khi đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, đó là: được tham mưu trực tiếp; được đầu tư trực tiếp và được hỗ trợ trực tiếp. Đối với việc chuyển cán bộ dân số cấp xã là viên chức Trung tâm DS - KHHGĐ huyện có nhiều điểm ưu việt, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm; phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của đội ngũ này.
Tại cuộc làm việc với Tổng cục DS-KHHGĐ và các đơn vị liên quan vào tháng 6.2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhất trí với mô hình tổ chức đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và cán bộ dân số cấp xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ làm việc tại xã. Đây là một quyết định quan trọng, tạo tiền đề cho những thành công của công tác dân số. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn triển khai mô hình này, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược DS - KHHGĐ 2011 - 2020.