Xu hướng dân số đang thay đổi nhanh chóng
Báo cáo do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu.
Báo cáo cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực đăng ký khai sinh và khai tử. Tỉ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ chào đời) tăng đều qua các năm, đạt 84,9% vào năm 2024. Đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi một người qua đời) cũng đạt mức 69,3%. Những con số này phản ánh nỗ lực cải thiện tính kịp thời và độ phủ của hệ thống đăng ký hộ tịch trên toàn quốc.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa các vùng miền và nhóm dân tộc. Ở một số dân tộc thiểu số, tỉ lệ đăng ký khai sinh và khai tử muộn vẫn còn rất cao, có dân tộc lên tới gần 80%. Một loạt chỉ số đáng chú ý khác cho thấy các xu hướng dân số đang thay đổi nhanh chóng. Tổng tỉ suất sinh hiện đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ già hóa dân số trong tương lai gần.
Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục kéo dài, với tỉ lệ 104 -106 bé trai/100 bé gái, vẫn cao hơn mức sinh học tự nhiên, thậm chí ở một số địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, tỉ lệ này vượt xa ngưỡng báo động.
Ngoài ra, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần, có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ. Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi).
Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đỗ Thị Ngọc nhấn mạnh: "Lần đầu tiên, Việt Nam có thể sử dụng bộ dữ liệu hộ tịch đầy đủ và cập nhật để phân tích các chỉ số sinh, tử, kết hôn trên phạm vi toàn quốc. Đây không chỉ là một bước tiến về kỹ thuật thống kê, mà còn là nền tảng để bảo đảm quyền được hiện diện trong hệ thống quản trị quốc gia của mọi công dân".

Cần nâng cấp công nghệ cho hệ thống đăng ký hộ tịch điện tử quốc gia
Báo cáo do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu, trên cơ sở đó kêu gọi hành động để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trâm Anh
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ, báo cáo công bố ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa dữ liệu và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý dân số tại Việt Nam. Đăng ký và thống kê hộ tịch không chỉ là một phần thiết yếu của quản lý nhà nước, mà còn là nền tảng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có thể thiết kế và cung cấp các dịch vụ công phù hợp, bao trùm và hiệu quả.
“Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy những tín hiệu tích cực từ dữ liệu, đây là những tiến bộ rõ rệt, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu dân số chính xác, kịp thời và có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phát triển con người toàn diện”, Trưởng đại diện Matt Jackson nói.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đỗ Thị Ngọc cũng khuyến nghị cần tiếp tục nâng cấp công nghệ cho hệ thống đăng ký hộ tịch điện tử quốc gia, đồng thời tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở, những người đóng vai trò tuyến đầu trong công tác đăng ký. Một hướng đi quan trọng là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hộ tịch cho các nhóm yếu thế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và trong các nhóm dân tộc thiểu số.