"Biển này là của ta, đảo này là của ta...”
Dẫn chúng tôi đi thăm cuộc sống của các hộ dân trên đảo Song Tử Tây, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Cao Văn Giáp xúc động: giữa những ngày tháng Tư lịch sử, hòa cùng với không khí hào hùng của dân tộc, quân và dân đảo Song Tử Tây cũng tràn đầy tự hào khi nhớ về thời khắc cánh quân thứ 6 thần tốc vượt biển giải phóng các đảo ở Trường Sa. 50 năm qua với biết bao muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh, mất mát, quân và dân Trường Sa vẫn bền gan, vững chí như cây phong ba trụ lại giữa biển trời khắc nghiệt. Các thế hệ cha anh đi trước đã mở đường giải phóng đảo thì chúng tôi hôm nay phải nối tiếp truyền thống, thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảo trở nên khang trang, hiện đại hơn. Nằm ở trung tâm của đảo, UBND xã Song Tử Tây đã được đầu tư kiên cố với đầy đủ các phòng, ban chuyên môn của chính quyền cấp xã. Trong đó, nổi bật là hệ thống hành chính công, đủ khả năng giải quyết những nhu cầu của quân và dân trên đảo như: cấp giấy khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân, ủy quyền, thừa kế...

Một góc âu tàu trên đảo Trường Sa Lớn
“Năm 2008, khi lần đầu được cử ra đảo làm nhiệm vụ xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, tôi đã gặp không ít khó khăn, thử thách. Mọi thứ vào thời điểm đó chỉ mới hình thành chủ trương chứ chưa có triển khai thực tế; các công tác cấp giấy tờ, thủ tục hành chính chủ yếu vẫn nằm ở đất liền. Đến nay, cùng với kết cấu hạ tầng khang trang, các thủ tục tư pháp đã được thực hiện ngay tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như các đơn vị đóng quân trên đảo. Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nước sạch… tại xã đảo đã hoàn thiện, giúp người dân yên tâm sinh sống lâu dài tại đảo”, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Cao Văn Giáp cho biết.
Về bộ máy chính quyền tại xã đảo cũng đã hoàn thiện các chức danh, các ban ngành cũng đầy đủ cơ cấu, hàng năm, những công chức này đều có kế hoạch đi tập huấn ở đất liền để nâng cao công tác nghiệp vụ cũng như cập nhật các kiến thức chuyên ngành mới.

Cuộc sống bình yên ở Trường Sa
“Hiện nay, trên xã có âu tàu để người dân khi vươn khơi bám biển có thể vào nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy móc hoặc tránh trú bão. Tại khu vực này, xã cũng bố trí một dãy nhà để ngư dân trú ngụ khi cần thiết. Ngoài ra, có bệnh xá phục vụ khám, chữa bệnh cho quân và dân trên đảo cũng như ngư dân khi đánh bắt trong vùng không may gặp tai nạn cần cấp cứu, điều trị”, Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết.
”Bệnh viện đa khoa” giữa trùng khơi
Được ngư dân miền Trung ví von là ”bệnh viện đa khoa giữa trùng khơi”, Bệnh xá đảo Sinh Tồn là một tòa nhà ba tầng cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, từng xử lý nhiều ca bệnh phức tạp. Nơi đây trở thành một điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo cũng như ngư dân đánh bắt ở trên vùng biển Trường Sa không may gặp tai nạn, bệnh tật. Bệnh xá có một bác sĩ chuyên khoa 1 cùng 3 nhân viên y tế trực chiến 24/24. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã tiếp nhận hơn 350 lượt ngư dân vào khám, chữa bệnh và nhận thuốc. Trong đó, cứu chữa nhiều ca bệnh nặng, không còn thời gian để di chuyển vào đất liền.

Một lớp học trên đảo Sinh Tồn
Lật giở quyển sổ nhật ký khám, chữa bệnh của Bệnh xá là hàng dài danh sách các bệnh nhân vào cấp cứu. Điển hình như, cuối tháng 12.2024, ngư dân Nguyễn Phú Quốc (sinh năm 1980, quê xã Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Tiên Nữ (thuộc quần đảo Trường Sa) bị áp xe gan, viêm túi mạch cấp tính, cần phải cấp cứu gấp. Sau khi hướng dẫn qua bộ đàm, tàu cá đã di chuyển hơn 100 hải lý (hơn một ngày đường) để đưa bệnh nhân về Bệnh xá Sinh Tồn. Nhờ được điều trị bằng các biện pháp tăng cường mà sau 11 ngày ngư dân đã trở lại sinh hoạt bình thường, có thể lên tàu để về bờ.
Bác sĩ CK1, Đại úy Lê Đăng Tuấn (Trạm trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn) chia sẻ: trong điều kiện ở xa đất liền, các phương tiện, kỹ thuật về y tế còn hạn chế, bệnh xá luôn nỗ lực hết sức để khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ cứu chữa cho các bệnh nhân. Đối với các ca bệnh khó, đòi hỏi sự can thiệp gấp thì chúng tôi phải liên hệ về bệnh viện ở đất liền để nhờ sự giúp đỡ, tư vấn. Nhớ lại một ca cấp cứu bệnh nhân ngay trong sáng Mồng 1 Tết Âm lịch vừa qua, bác sĩ Tuấn kể: ngày đầu năm mới, khi các nhân viên bệnh xá chuẩn bị đi chúc Tết các hộ dân và cán bộ trên đảo thì nhận được tin ngư dân Huỳnh Văn Đủ (sn 1970, trú Nha Trang, Khánh Hòa) bị thoát vị bẹn, nghẹt kích thước lớn (từng có tiền sử một 1 lần). Lúc này bẹn của bệnh nhân bị phình to, nếu không cứu chữa kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi xin ý kiến của Bệnh viện quân y 175 cũng như quân y các cấp, không phút chần chừ, Bác sĩ Tuấn cùng ê-kip trực khẩn trương đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Sau hơn 3 tiếng trong phòng mổ, bệnh nhân đã được xử lý vết thương an toàn. Sau 14 ngày điều trị, ngư dân đã hồi phục hoàn toàn. Đó chỉ là một trong nhiều ca mà bệnh xá đảo Sinh Tồn đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Bác sĩ CK1, Đại úy Lê Đăng Tuấn (Trạm trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn) khám bệnh cho một cán bộ trên đảo
Tốt nghiệp Học viện Quân y với tấm bằng loại ưu, thay vì chọn đến công tác tại các bệnh viện lớn ở đất liền thì bác sĩ Tuấn lại viết đơn xung phong ra Trường Sa công tác, ngày đêm sát cánh cùng quân và dân đảo Sinh Tồn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Tuổi đôi mươi gắn mình với sóng nước, Tuấn nói rằng đó là nhiệm vụ của một người lính bởi bản thân là một bác sĩ quân y. Được ở đảo, được ngày đêm canh giữ biển trời Trường Sa là một vinh dự lớn lao. Mang trong mình suy nghĩ ấy, 2 năm trước, anh bác sĩ trẻ khoác vội chiếc ba lô cùng dụng cụ khám, chữa bệnh bước xuống tàu ra Trường Sa.
"Ra đến đây, mình mới cảm nhận được đời sống cũng như việc bảo đảm, sẵn sàng chiến đấu của người lính giữ đảo ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Từ đấy, hun đúc nên tình yêu đất nước, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm bảo vệ từ tấc đất, sải biển của cha ông”, Tuấn xúc động chia sẻ.