Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18% chỉ tiêu) và xét kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80% chỉ tiêu).
Điểm đặc biệt là trong phương thức xét tuyển kết hợp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ nhóm xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia với điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã không còn tuyển sinh bằng học bạ.
Trước đó, từ năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ngừng áp dụng điều kiện học bạ đối với thí sinh xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT, đánh giá tư duy).
Nhiều trường đại học top đầu khác cũng “nói không” với việc xét tuyển học bạ. Ngược lại, nhiều trường top giữa và top dưới lại có xu hướng gia tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ trong những năm gần đây.
Điểm học bạ có thể là một tiêu chí phụ?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ, ông thấy rất mừng khi nghe tin các trường đại học lớn không còn sử dụng kết quả học bạ THPT để tuyển sinh.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, xét tuyển vào đại học dựa vào kết quả học bạ thực tế không phải là “sáng kiến” mới ở Việt Nam hay của các trường Việt Nam, bởi trên thế giới đã có nhiều quốc gia, nhiều trường đại học áp dụng. Tuy nhiên, cần so sánh điều kiện thực tế tại Việt Nam và các nước nói trên.
Những trường đại học và những quốc gia triển khai phương thức xét tuyển này thành công là bởi họ đã hình thành được văn hóa chất lượng, có nghĩa làm điều gian dối sẽ bị toàn xã hội lên án. Bên cạnh đó, hệ thống các trường phổ thông của họ được kiểm định rất chắc chắn, dù không có một barem điểm (thang điểm sẵn để chấm thi) cho cả nước nhưng mức độ chặt chẽ, nghiêm ngặt của thang điểm ở các trường phổ thông đều tương tự như nhau.
Đó là lý do nhiều nơi trên thế giới thậm chí đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, tình trạng xin điểm, thậm chí đáng buồn hơn là mua điểm vẫn còn xuất hiện. Do đó, không thể tin cậy kết quả học bạ để đưa vào một kỳ tuyển sinh mang tính chất chọn lọc rất chặt chẽ.
“Xét tuyển đại học đòi hỏi sự cạnh tranh. Có khi, thí sinh chỉ hơn nhau 1/4 điểm đã quyết định việc đỗ hay trượt rồi. Bây giờ dựa vào bảng điểm rất lỏng như thế, trường này khác trường kia thì thử hỏi có công bằng hay không?”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi.
Theo ông, có thể không cần bỏ hoàn toàn việc xét tuyển dựa vào học bạ. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm ngặt - đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ có thể là một tiêu chí phụ để tiếp tục chọn lọc, cùng với những tiêu chí phụ khác.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng nêu quan điểm, dù Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh, nhưng vẫn không nên bỏ qua vai trò quản lý Nhà nước trong vấn đề này.
“Tôi cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Bộ GD-ĐT nên có định hướng trong việc không lấy điểm học bạ làm tiêu chí chính để tuyển sinh, vì thực tế chúng ta chưa đủ điều kiện triển khai, nên có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề tiêu cực, không công bằng”, ông nói.
Độ khả tín không cao, gây tình trạng lạm phát điểm số
Theo chuyên gia giáo dục, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, xét tuyển bằng học bạ là phương thức đã tồn tại nhiều năm trước đây ở Việt Nam, tuy nhiên không có lần nào duy trì được lâu, bởi độ khả tín của học bạ không cao.
Đơn cử, cách đây khoảng 5-7 năm, Hà Nội đã từng tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng mỗi năm học sinh giỏi ở cấp THCS sẽ cộng 5 điểm cho học sinh khi xét tuyển vào lớp 10. Nhưng sau một số năm duy trì phương thức này, tỉ lệ học sinh giỏi tăng lên đột biến, thậm chí đa số các lớp có tới 80- 90% học sinh giỏi, có lớp đạt tỷ lệ 100% học sinh giỏi - gây tình trạng “lạm phát điểm số”.
Với việc xét tuyển bằng học bạ vào đại học như những năm gần đây, tình trạng “lạm phát điểm số” cũng đang xảy ra.
“Qua quan sát của cá nhân tôi trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng tỷ lệ học sinh ở trên lớp đạt mức điểm giỏi, thậm chí là mức xuất sắc - trên 9 phẩy gia tăng rất nhanh chóng. Điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ của các trường đại học cũng tăng lên rõ rệt theo từng năm. Có những trường cách đây khoảng 3-4 năm mức điểm xét tuyển học bạ chỉ khoảng 25 - 26 điểm thì đến năm vừa qua đã đến 27-28 điểm. Có những trường điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ còn trên 30 - ở một ngưỡng hết sức vô lý”, thầy Vũ Khắc Ngọc cho hay.
Theo chuyên gia này, việc nhiều trường đại học những năm gần đây sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trước hết xuất phát từ bối cảnh dịch Covid-19, khì kế hoạch thi và tuyển sinh đại học còn rất bất định. Việc đi học lại hay không, tổ chức thi hay không, thi mấy đợt, thi như thế nào rất bất định, nên các trường buộc phải “bấu víu” vào một phương thức được cho là chắc chắn, an toàn hơn cả.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã đi qua, hệ lụy từ việc xét tuyển học bạ này đang lớn hơn so với những kết quả chúng ta mong muốn.
“Trong năm 2023, Bộ GD-ĐT công bố thống kê về điểm học bạ của các địa phương. Chúng ta thấy rằng tỷ lệ học sinh giỏi ở các địa phương rất khác nhau, thậm chí giữa địa phương này với địa phương khác, tỉ lệ học sinh giỏi chênh nhau tới 3-4 lần, cũng sẽ tạo ra một sự không công bằng khi xét tuyển đại học.
Bởi chúng ta biết rằng điểm học bạ được cho trên cơ sở các kết quả, các bài kiểm tra trên lớp. Nhưng đề thi học kỳ của trường này với trường khác lại không giống nhau, rất khác nhau về mức độ khó và mức độ khắt khe trong việc cho điểm”, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc phân tích.
Ông khằng định, đây là lý do khiến việc xét tuyển đại học dựa vào kết quả học bạ “chắc chắn là không công bằng” và gây tình trạng “lạm phát điểm quá mức”.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, với tinh thần tự chủ trong tuyển sinh đại học, việc các trường xét tuyển học bạ không có cơ sở để ngăn cấm. Hơn nữa, phương thức này cơ bản vẫn phù hợp với một số nhóm trường nhất định, như các trường top giữa hoặc top dưới. Thế nhưng, với các trường đại học top đầu, xét tuyển bằng học bạ không còn phù hợp.
“Với những trường vẫn duy trì phương thức này, tôi cho rằng nên giảm tỷ lệ xét tuyển bằng phương thức này xuống rất thấp; hoặc kết hợp thêm với các công cụ đánh giá khác, ví dụ như kèm theo các điều kiện về giải thưởng, chứng chỉ,...”, thầy Vũ Khắc Ngọc nêu ý kiến.