Ngày 25.6.2014, UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An căn cứ trên các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa (tiêu chí V), vẻ đẹp cảnh quan (tiêu chí VII) và địa chất địa mạo (tiêu chí VIII). Tại thời điểm được UNESCO ghi danh, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á - Thái Bình Dương và là di sản hỗn hợp đầu tiên khu vực Đông Nam Á.
Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, cùng với bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử của cư dân địa phương. Đặc biệt hơn, nơi đây được các nhà khoa học khẳng định là kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục và kéo dài hơn 30.000 năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng khẳng định: "Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng Di sản Tràng An không chỉ là báu vật do thiên nhiên ban tặng, được các thế hệ người dân Ninh Bình gìn giữ, trao truyền cho đến ngày nay, mà nó còn là nơi hội tụ, kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Di sản Tràng An sẽ chỉ phát huy giá trị khi đem lại giá trị vật chất, tinh thần, gắn kết xã hội, duy trì sinh kế và tạo sinh kế mới cho người dân".
10 năm qua, theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh, "các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của Di sản được tôn trọng và gìn giữ; các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch trên toàn tỉnh Ninh Bình, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, hướng tới tăng trưởng xanh. Di sản đã thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và lưu truyền".
Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, từ tháng 1 - 9.2024, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi mang tính kết nối và lan tỏa các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vữn. Đây cũng là dịp để đánh giá các thành tựu nổi bật 10 năm qua, đề ra các chủ trương, giải pháp để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản này thời gian tới.
Trọng tâm của chuỗi hoạt động này là Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, dự kiến diễn ra tối 26.4.2024. Đây là sự kiện chính tôn vinh các thành tựu, đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản; lan toả các giá trị của Di sản, truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, về vị trí và tầm quan trọng của Di sản đối với quốc gia, dân tộc và thế giới.
Bên cạnh đó là 2 hội thảo đáng chú ý. Đó là hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản UNESCO”. Hội thảo sẽ được tổ chức vào tháng 4.2024 (dịp tổ chức Lễ kỷ niệm). Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản; xác định vị trí, vai trò của Di sản trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ. Đây không chỉ là việc bảo tồn mà còn thể hiện tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa văn hóa, du lịch, giáo dục và kinh tế. Kết nối Tràng An với các thành phố di sản UNESCO giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác quốc tế, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thực hành tốt nhất trong việc quản lý và bảo tồn Di sản.
Hội thảo khoa học “Hành cung Vũ Lâm trong quá trình hình thành và phát triển tư tưởng phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử của Trần Nhân Tông và giá trị lịch sử, văn hóa của bức họa ‘Trúc Lâm đại sỹ xuất Sơn Đồ” dự kiến vào tháng 8.2024. Hội thảo nhằm khẳng định vai trò của Hành Cung Vũ Lâm cùng các di tích lịch sử - văn hóa có liên quan gắn với quá trình hình thành và phát triển Tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử. Sự hình thành tư tưởng phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử không chỉ là một phần quan trọng trong lịch sử Phật giáo mà còn là một di sản tinh thần giá trị, làm phong phú bản sắc văn hoá Việt Nam nói chung và làm giàu các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng.
Cùng với đó là một chuỗi hoạt động, sự kiện hưởng ứng, như: Không gian trưng bày khảo cổ về các giá trị văn hóa của tỉnh và Quần thể danh thắng Tràng An; Tuần Du lịch Ninh Bình Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An; Liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch toàn quốc; Cuộc thi báo chí về đề tài bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; Cuộc thi sáng tác ca khúc, tác phẩm văn học về tỉnh Ninh Bình và Quần thể danh thắng Tràng An…
"Chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch này có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục và truyền cảm hứng cho các thế hệ thêm hiểu biết, trân trọng về cội nguồn lịch sử, về truyền thống của quê hương Cố đô Hoa Lư, về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Quần thể danh thắng ràng An; đồng thời tăng cường gắn kết cộng đồng, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, quảng bá, đưa hình ảnh, di sản Tràng An đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng nhấn mạnh.