Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, nhiếp ảnh di sản đã trở thành công cụ quan trọng góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Tại Việt Nam, nơi có bề dày lịch sử và nền văn hóa phong phú, nhiếp ảnh ghi chép, lan tỏa những giá trị di sản đến với công chúng. Chụp ảnh di sản bởi vậy không chỉ là mục đích nghệ thuật, mà còn thể hiện trách nhiệm và sự trân trọng đối với di sản của cha ông.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đã dành gần 2 thập kỷ để chụp ảnh về làng nghề, lễ hội và nhiều nét văn hóa làng khác. Những giá trị xưa cũ, truyền thống có nguy cơ mất đi luôn cuốn hút ống kính của anh. Trong mỗi bộ ảnh, anh quan tâm đến số phận của những con người đóng góp công sức gìn giữ, phát triển những nét đẹp độc đáo, tinh hoa của di sản.
Lê Bích cho biết, nhiếp ảnh là một kênh ngôn ngữ mạnh. Nhiều tác phẩm ảnh không chỉ làm đẹp cho cuộc sống hôm nay, mà còn có giá trị tư liệu cho mai sau. Một số tác phẩm quý sẽ trở thành di sản ảnh của đất nước, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Hiện nhiếp ảnh gia Lê Bích tập trung vào những câu chuyện về giếng làng. Anh chia sẻ những giếng làng đang mất dần vì nhu cầu sử dụng nước ngầm không còn, vì sự phát triển của đô thị. Và ở đây, giếng cổ không chỉ thu hút ống kính của nhiếp ảnh gia bởi hình thù, khuôn gạch, vết chạm khắc trên thành giếng, màu nước hay lớp rêu phong, mà sâu xa hơn, chúng đều là chứng nhân của những câu chuyện đặc biệt về cách con người ứng xử nhau, cách con người gìn giữ những di tích, văn hóa xưa… Đó cũng chính là ý nghĩa của nhiếp ảnh di sản.
Tuy nhiên, chụp ảnh di sản không dễ. Nhiếp ảnh di sản đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải am hiểu sâu sắc về đối tượng mình muốn ghi lại. Đó có thể là một lễ hội truyền thống, một ngôi làng cổ kính, hay chân dung của những thợ thủ công lành nghề… Mỗi bức ảnh đều kể một câu chuyện riêng, một góc nhìn độc đáo về những di sản mà chúng ta có thể đã quen thuộc, nhưng lại được thể hiện qua lăng kính mới mẻ và đầy cảm xúc của người cầm máy.
“Cái khó đầu tiên là phải hiểu bản chất của đối tượng mà mình chụp. Ví dụ trước hình ảnh chạm khắc rồng rêu phong, ai cũng có thể chụp được nhưng thợ chuyên nghiệp phải tư duy con rồng ấy đặt trong bối cảnh nào, so sánh với các thời xem rồng thời Trần khác thời Lý, thời Lê như thế nào… để khi chụp tập trung vào những chi tiết ấy, sao cho nổi rõ sự khác biệt ấy. Để thấy ở đây không phải chỉ hiểu một mà phải hiểu mười, phải hiểu cả những yếu tố xoay quanh đối tượng mình chụp”, nhiếp ảnh gia Lê Bích giải thích.
Những năm qua, nhiều cuộc thi nhiếp ảnh lớn nhỏ với chủ đề di sản đã được tổ chức tại Việt Nam như: Hành trình di sản do tạp chí Heritage tổ chức đều đặn 9 năm qua; Cuộc thi nhiếp ảnh Tôn vinh di sản văn hóa do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức (2022); Cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc (2021); Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (phát động tháng 2.2024), trong đó khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo về di sản… Những cuộc thi này không chỉ là sân chơi cho các nhiếp ảnh gia mà còn là cơ hội để quảng bá và nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy hơn nữa vai trò của nhiếp ảnh trong quảng bá di sản? Nhìn nhận về vấn đề này, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho rằng trong thời đại thông tin đại chúng, phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải năng động, lao động nghệ thuật tích cực hơn, để hấp dẫn công chúng ở những tác phẩm chất lượng, kết nối người xem với di sản một cách có chiều sâu.
“Bây giờ có rất nhiều người chụp ảnh nhưng thực sự lại rất thiếu những nhiếp ảnh gia chuyên chụp về di sản. Bởi thực tế đề tài di sản không hấp dẫn như các đề tài thời sự. Cho nên để khuyến khích các nghệ sĩ thể hiện mảng đề tài này nhiều hơn, cần có thêm nhiều cuộc thi nhiếp ảnh di sản. Đặc biệt khuyến khích nhà nhiếp ảnh thế giới đến Việt Nam, chụp ảnh di sản Việt Nam. Có như thế, di sản Việt Nam sẽ được quảng bá, lan tỏa nhiều hơn”, nhiếp ảnh gia Lê Bích nói.