Trọng tâm kinh tế
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản đến đảo quốc Caribe. Trong chuyến thăm Cuba, ông Abe sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương. Trả lời báo giới về chuyến thăm, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, bằng việc cải thiện môi trường đầu tư, Tokyo hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động sang Cuba, đất nước đang thu hút sự quan tâm của thế giới trong cả hai lĩnh vực công - tư, sau khi Cuba nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ. Các tập đoàn của Nhật Bản như Mitsubishi, Mitsui và Marubeni đang đẩy mạnh tham gia vào nền kinh tế vốn bị cô lập này.
Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Raul Castro, Thủ tướng Abe sẽ công bố đề nghị viện trợ Cuba khoảng 1 tỷ yen (tương đương 9,8 triệu USD), nhằm giúp mua sắm máy móc thiết bị y tế. Hai bên sẽ hoàn tất kế hoạch thiết lập các cơ sở y tế ở Cuba, giúp đào tạo nhân viên y tế thông qua chương trình thực hành tại Nhật Bản. Nhật Bản còn dự định cắt giảm số tiền trị giá 120 tỷ yen trong tổng số 180 tỷ yen mà Cuba nợ Nhật Bản, bao gồm cả nợ đến hạn trả và lãi suất.
Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực nối lại quan hệ kinh tế, chính trị với Cuba. Tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm Cuba lần đầu tiên. Gần đây nhất, lãnh đạo đảng Công Minh - đối tác trong liên minh với đảng Dân chủ tự do cầm quyền - Natsuo Yamaguchi cũng đã có chuyến thăm Cuba, theo lời mời của đảng Cộng sản Cuba vào tuần trước. Trong chuyến thăm, ông Yamaguchi đã gửi thư của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Chủ tịch Cuba Raul Castro và cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Hòa cùng dòng chảy
Việc Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao vào tháng 7.2015 đã mở ra cơ hội về kinh tế, chính trị cho nhiều quốc gia mong muốn hợp tác với Cuba. Vì vậy, chuyến thăm La Habana của Thủ tướng Abe lần này mang nhiều màu sắc hòa vào dòng chảy chung của thời cuộc, để không bị chậm chân tại thị trường tiềm năng này.
Cuba là điểm đến thân thiện trở thành miền đất hứa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Kinh tế nước này đã khởi sắc, đối tác thương mại tăng đáng kể, nguồn thu ngoại tệ đa dạng hơn. Người dân Cuba đã có thể mua bán nhà đất, xe hơi, máy tính và điện thoại di động, trong khi lĩnh vực tư nhân phát triển đáng kể. Cuba không còn là “Cuba của ngày hôm qua”, có thể tự sản xuất 50.000 thùng dầu/ngày (chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện), bên cạnh việc nhập khẩu ưu đãi 80.000 thùng từ Venezuela và mua phần thiếu hụt trên thị trường quốc tế, đồng thời phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo.
Du khách quốc tế đến Cuba dự kiến đạt 4 triệu vào năm nay. Con số này sẽ còn tăng mạnh khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm công dân Mỹ du lịch đến Cuba. Lượng ngoại hối của đảo quốc Caribe này đã tăng gấp 3 lần, đạt mức 2,5 tỷ USD/năm, trong khi ngành sản xuất xì gà nguyên chất ngày càng khẳng định thương hiệu trên thế giới và hiện đã đạt sản lượng kịch trần. “Ngôi sao” của nền kinh tế Cuba chính là hoạt động xuất khẩu các dịch vụ y tế kết hợp dược phẩm và công nghệ sinh học, với mức thu khoảng 8 tỷ USD/năm, chủ yếu từ các Sứ mệnh Xã hội và chương trình “Thêm Bác sĩ” tại Brazil.
Trong khi đó, các đối tác thương mại lâu dài của Cuba đang tận dụng việc xóa nợ, hoán đổi nợ và hỗ trợ tài chính mới, nhằm giành được cơ hội đầu tư vào quốc đảo này trước khi các công ty Mỹ kéo tới. Pháp, Italy, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Nga nằm trong số các nước đang tìm cách thuyết phục Cuba ký các hợp đồng với các công ty của mình trong các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng để đổi lại việc xóa nợ. Cuối năm ngoái, Cuba đã ký một thỏa thuận chung với Câu lạc bộ Paris gồm các quốc gia thịnh vượng về việc xóa khoản nợ 8,5 tỷ USD trong tổng số 11,1 tỷ USD nợ khó đòi; tiếp đó, đạt được các thỏa thuận song phương với hầu hết các nước thành viên. Năm 2014, Nga đã xóa khoảng 30 tỷ USD nợ cũ từ thời Liên Xô cho Cuba và cam kết đầu tư số tiền 3,5 tỷ USD mà Cuba còn nợ lại vào đất nước này.
Ngoài Nhật Bản, các nước khác cũng đang thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Cuba. Đáng chú ý nhất, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có chuyến thăm Cuba trong tháng 9 này. Tuy nhiên, Nhật Bản làm thế nào để biến chương trình nghị sự ở Cuba trở nên khác biệt với Trung Quốc vẫn là câu hỏi với các nhà hoạch định chính sách của Tokyo. Sự mở cửa của Cuba đã viết thêm một chương cho câu chuyện dài kỳ về cuộc cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhằm xác lập ảnh hưởng và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở những nước đang phát triển.