Rất nhiều người nói về âm nhạc của “Crash Landing On You” (CLOY) và những ấn tượng của họ dành cho âm nhạc của CLOY. Nhưng hầu như chẳng ai nhắc về Nam Hye-Seung, nhạc sĩ sáng tác rất nhiều ca khúc trong phim cũng như phần nhạc nền (original score) cho phim.
Tình cờ xem lại “Chicago Typerwritter” - một bộ phim Hàn có phần nhạc nền và một số ca khúc rất ấn tượng, tôi cũng phát hiện ra tác giả của nó là Nam Hye-Seung. Spotify quả thật thông minh khi tiếp tục gợi ý vài phần nhạc nền khác, trong đó có phần nhạc nền của CLOY. Điều đó thực sự gây cho tôi tò mò, sau đó, lần đầu tiên tôi nghe lại toàn bộ phần nhạc nền của CLOY. Khi nghe lại phần nhạc nền này, tôi đã bị thu phục hoàn toàn vì nó quá đặc sắc đến nỗi tôi ngay lập tức google toàn bộ thông tin về Nam Hye-Seung (mà lúc đó tôi tưởng là một nam nhạc sỹ). Hóa ra đây là nữ nhạc sĩ, người sáng tác, giám đốc âm nhạc của rất, rất nhiều siêu phẩm của Hàn Quốc. Từ Goblin, Mr. Sunshine, Vagabond, Romance Is a Bonus Book, Boyfriend, Incarnation of Jealousy Don’t Dare to Dream… và vô số siêu phẩm khác.
![]() |
Xem lại thông tin trên Wiki về CLOY, tôi thấy có nhắc tới 2 cái tên khác nữa khi nhắc về người sáng tác nhạc cho CLOY, nhưng tên của Hye-Seung ở vị trí đầu tiên. Tôi không chắc cô có phải là Giám đốc âm nhạc cho phim luôn không, nhưng hầu hết các tác phẩm cho phần nhạc nền, tên cô luôn ở vị trí đầu tiên, hơn thế cô còn tham gia sáng tác nhạc và viết lời cho rất nhiều ca khúc trong phim nữa như: Flower, Here I am again… đặc biệt là ca khúc được yêu thích nhất phim như Photo of my heart, Photo of my mind...
Khi nghe lại OST, tôi đặc biệt ấn tượng với bản nhạc “The song for my brother” phiên bản piano kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. Trong phim, nó được thể hiện bởi chính đại úy Ri huyền thoại (tất nhiên ở phần ghi âm thì không phải do Huyn Bin chơi, tôi nghĩ thế vì trong phần credit, tôi thấy ghi tên chính tác giả chơi). Tôi có nghe các phiên bản được cover trên youtube, nhưng khi nghe bản gốc viết cho dàn nhạc và piano, tôi đã vô cùng ấn tượng đến mức phải đi tìm kiếm tên tác giả. Nó thực sự giàu cảm xúc, lắng đọng với phần giai điệu chính rất dễ đi vào lòng người, chỉ cần nghe một lần là nhớ ngay. Ở phần sau, giai điệu được biến tấu kết hợp với violon, tiếp theo là cả bộ dàn dây nhiều màu sắc, không gian được mở rộng bát ngát, làm tôi tưởng tượng đây là tác phẩm nhạc nền cho một tác phẩm điện ảnh chứ không phải truyền hình. Các bạn có thể nghe các bản score khác như: Same sky, Different world; The season of us; Time of JungHyuk for Seri… tất cả đều rất tuyệt vời. Cái hay của nó, theo tôi, ngoài âm nhạc quyến rũ, việc dàn dựng phối khí rất đỉnh thì tác giả đã đưa chất “folklore” (dân gian) kết hợp hài hòa cùng âm nhạc cổ điển phương Tây. Tôi không nghe nhạc truyền thống, dân gian của Hàn Quốc nhiều, nhưng có thể nhận ra rất rõ chất dân gian trong bản “The photo of my heart” hay “The wind of the day” và một số bản khác nữa. Điều này vô cùng thích hợp với màu sắc “Bắc Hàn” trong phim.
Một bản nhạc ngắn nhưng vô cùng đặc sắc khác là Time of JungHyuk for Seri. Phần score của cello trầm hòa lẫn với tiếng piano, sau đó là dồn dập âm thanh của dàn dây như thôi thúc bùng cháy, dữ dội và kết thúc ở ngay cao trào nhất. Thật quá ấn tượng với cái kết của bản nhạc này.
Tôi vốn thích nhạc phim, nhạc giao hưởng nên cực kỳ ấn tượng với phần nhạc nền trong CLOY này. Nghe hết phần nhạc nền, tôi càng thêm nể phục người Hàn hơn trong cách họ thần kỳ tạo ra “làn sóng Hallyu” của mình. Họ đã tạo ra một thời kỳ mà tôi tạm gọi là “Thời Đại Hàn” với ý nghĩa “Đại Hàn” trong cả kinh tế và văn hóa. Họ đang ở thời kỳ cực thịnh với nhiều tác phẩm xuất sắc ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, điện ảnh và truyền hình. Thành tựu đáng nể gần đây nhất là giải thưởng Cành cọ Vàng ở Cannes rồi cả chùm giải thưởng danh giá nhất tại Oscar. Ở lĩnh vực phim truyền hình, họ đang là số 1 châu Á và cũng lại thuộc hàng có tiếng trên thế giới.
Sở dĩ khi nghe OST, phần soundtrack không lời của CLOY làm tôi bất ngờ đến thế, là vì tôi vốn nghĩ phần nhạc nền công phu như vậy thường dành cho các tác phẩm điện ảnh thôi, tôi không nghĩ với một TV series mà họ đầu tư “khủng” như vậy, chơi nguyên một dàn giao hưởng lớn gần 100 người thu live. Trước đây, tôi chỉ thích phần nhạc nền trong 1 TV series của Hàn Quốc là Secret Love Affairs (đây là bộ phim nói về một thiên tài piano với rất nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc mà tôi ngưỡng mộ), nhưng từ nay, tôi sẽ dành thời gian nghe tiếp các tác phẩm khác nữa trong phim bộ của Hàn Quốc.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu bắt buộc phải lấy dẫn chứng cho sự chưa được chuyên nghiệp ở phim truyền hình Việt Nam. Trong phim truyền hình của chúng ta, cùng lắm chỉ thuê nhạc sĩ nào đó sáng tác một, hoặc vài ca khúc cho phim. Có rất ít các bộ phim truyền hình Việt Nam được đầu tư viết riêng phần nhạc nền. Kinh phí của phim truyền hình Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều so với khi xưa nên chất lượng, hình ảnh, diễn viên... đã được cải thiện đáng kể nhưng về âm nhạc thì... không biết phải nói sao. May sao, ở mảng điện ảnh của Việt Nam, phần âm nhạc được chú ý đầu tư rất tử tế.
Trở lại với tác giả Nam Hye-Seung, một nữ nhạc sĩ tài năng với sức sáng tạo không mệt mỏi cùng với số lượng tác phẩm khổng lồ, tôi đồ là ở CLOY có lẽ cô cũng đảm nhiệm cả vai trò Giám đốc âm nhạc, tức là không chỉ có sáng tác, mà còn giữ trách nhiệm điều phối, kết hợp với các nhạc sĩ khác để tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh cho âm nhạc của cả bộ phim này.
Dù rất nổi tiếng ở Hàn Quốc với các siêu phẩm phim truyền hình, điện ảnh, nhưng đặc biệt, cô Hye-Seung còn hợp tác với một số các nghệ sỹ độc lập (chưa danh tiếng) của châu Âu hay Mỹ, một điều khá hiếm gặp ở Hàn Quốc, vì như vậy rất mạo hiểm cho cô và danh tiếng của mình. Chính vì điều ấy mà tôi càng thêm khâm phục cô.
Chúng ta từng biết sức ảnh hưởng khủng khiếp của K-pop trên toàn thế giới nhưng ở các phân mảng khác như nhạc cổ điển, nhạc phim hay nhạc kịch của Hàn, tôi nghĩ những trái ngọt mới vẫn đang còn tiếp tục chờ đón họ ở phía trước.