Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước. Đối với doanh nghiệp, pháp luật quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%; doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% chỉ quyết định kiểm toán trong trường hợp đặc biệt. Trong khi đó, việc lựa chọn doanh nghiệp để tiến hành kiểm toán thông qua phương pháp chọn mẫu.
Nêu vấn đề trên, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguyên tắc, tiêu chí, cách thức thực hiện lựa chọn mẫu để bảo đảm tính đại diện nhưng vẫn phản ánh chính xác, kịp thời tình hình thực tế, sớm phát hiện được sai phạm, thất thoát nguồn lực nhà nước, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, để tiến hành một cuộc kiểm toán phải qua 4 giai đoạn, đó là xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, xây dựng báo cáo và đôn đốc.
Ở khâu xây dựng kế hoạch, căn cứ vào mục tiêu kiểm toán đã được hướng dẫn trong toàn ngành, Đoàn kiểm toán tập trung thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán, môi trường hoạt động, quy trình quản lý và kiểm soát nội bộ.
Đặc biệt, trên cơ sở phân tích, đánh giá về kiểm soát nội bộ và các sai sót trọng yếu, kiểm toán sẽ tiến hành chọn mẫu. Để có quy trình hướng dẫn chọn mẫu, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước số 100 - các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc chọn mẫu để việc chọn mẫu đạt chuẩn, phục vụ tiến hành hoạt động kiểm toán, phục vụ cho việc xác nhận tính trung thực, tính hợp lý của báo cáo tài chính và thông tin tài chính.